PVN tiếp tục phải là tập đoàn kinh tế hùng mạnh
PVN tiếp tục phải là tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, đó là mong muốn của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của PVN.
Ngày 11/1 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN cho biết, năm 2018, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra, về đích trước hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5,0% kế hoạch năm (KHN). Trong đó, khai thác dầu thô 13,97 triệu tấn (vượt 735 nghìn tấn, tương đương vượt 5,6% KHN). PVN đã đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 390 triệu vào ngày 28/4/2018.
Khai thác dầu thô ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm (11,31 triệu tấn) trước 21 ngày, cả năm 2018 đạt 12,0 triệu tấn, (vượt 675 nghìn tấn, vượt 6,0% KHN). Khai thác dầu thô ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm (1,92 triệu tấn) trước 10 ngày, cả năm 2018 đạt 1,98 triệu tấn (vượt 60 nghìn tấn, vượt 3,1% KHN). Khai thác khí hoàn thành kế hoạch cả năm (9,60 tỉ m3), cả năm 2018 đạt 10,01 tỉ m³ (vượt 410 triệu m3, vượt 4,3% kế hoạch năm). PVN đạt mốc khai thác m3 khí thứ 140 tỉ.
Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm (1,54 triệu tấn), cả năm 2018 đạt 1,63 triệu tấn (vượt 88 nghìn tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm). PVN đã đạt mốc sản xuất tấn đạm thứ 16 triệu vào ngày 19/7/2018, Tập đoàn đạt mốc sản xuất 170 tỉ kWh điện vào ngày 2/12/2018. Sản xuất xăng dầu đạt 9,40 triệu tấn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc sản xuất tấn sản phẩm các loại thứ 55 triệu vào ngày 30/8/2018.
Bên cạnh đó, PVN cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 626,8 nghìn tỉ đồng (vượt 96 nghìn tỉ đồng, vượt 18,1% kế hoạch năm 2018, tăng 26% so với năm 2017). Nộp ngân sách Nhà nước đạt 121,3 nghìn tỉ đồng (vượt 47,5 nghìn tỉ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017). Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 47,1 nghìn tỷ đồng (kế hoạch 19,1 nghìn tỷ đồng) vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017, ông Sơn cho biết thêm.
Trong năm 2018, giá trị đầu tư của PVN đạt 40,9 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn theo đúng đề án đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ – TTg ngày 29/9/2017; đã đưa 6 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đi vào hoạt động trở lại. Ngoài ra, Tập đoàn cũng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1.
Có thể bạn quan tâm
PVN, PV GAS lọt Top đầu 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018
09:00, 11/12/2018
PVN và lời cảnh báo khai thác dầu khí đang “ăn” vào tương lai
06:00, 23/11/2018
Công tác quản trị được ưu tiên hàng đầu tại PVN
14:47, 02/10/2018
Đặc biệt, công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp đang được triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Trong năm 2018, PVN đã cổ phần hoá thành công 3 đơn vị thành viên gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho nhà nước.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, Tập đoàn sẽ tập trung chỉ đạo trong Công ty mẹ và người đại diện Tập đoàn tại các đơn vị thành viên thực hiện quyết liệt, đồng bộ 10 nhóm giải pháp, ông Sơn khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những kết quả đạt được của Tập đoàn. Thủ tướng bày tỏ mong muốn PVN tiếp tục phải là tập đoàn dầu khí, tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Đất nước cần sự đóng góp của PVN.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cũng chia sẻ một số những khó khăn tồn tại không chỉ trong năm 2018 mà còn ảnh hưởng đến phát triển bền vững trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp đã có tác động nặng nề đến công tác tìm kiếm thăm dò. Gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 mặc dù đạt kế hoạch nhưng so với mục tiếu chiến lược phát triển ngành đề ra ở trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài 8-12 triệu tấn/năm thì không hoàn thành. Nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò gặp khó khăn. Các mỏ đã khai thác trong thời gian dài nên sản lượng bị suy giảm, số lượng giếng khoan mới rất ít nên sản lượng suy giảm tuỳ theo mỏ từ 15% đến 30%...
Ghi nhận những khó khăn của PVN, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh tiến độ triển khai đầu tư 2 dự án khí Lô B và Cá Voi Xanh để bù sản lượng khai thác dầu thô sụt giảm khi các mỏ chủ lực đã giảm sản lượng, các mỏ còn lại ở xa bờ, sản lượng thấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu PVN phối hợp với các bộ ngành liên quan tính toán lại các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh để đóng góp nhiều hơn nữa cho mục tiêu tăng trưởng GDP và ngân sách trong năm 2019. Tập đoàn cần tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu; tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém.
Cần ứng dụng khoa học công nghiệp để gia tăng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường, coi trọng công tác xây dựng Đảng, chăm lo đời sống người lao động...
Năm 2019, PVN phấn đấu về đích sớm tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao: Gia tăng trữ lượng dầu khí 10 - 15 triệu tấn; khai thác dầu khí 22,06 triệu tấn trong đó khai thác dầu thô 12,37 triệu tấn; khai thác khí 9,69 tỉ m3; sản xuất đạm 1.575 nghìn tấn. Về các chỉ tiêu tài chính, PVN đặt mục tiêu doanh thu 612,2 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 87,5 nghìn tỉ đồng.