“Ván bài lật ngửa” của Saigon Co.op

Lê Mỹ 15/07/2019 17:14

Nhận chuyển nhượng Auchan Việt Nam được cho là ván bài lật ngửa của Saigon Co.op để nâng cao năng lực trên thị trường bán lẻ cạnh tranh đầy khốc liệt.

Sau thất bại trong việc mua lại Big C, Saigon Co.op đã thành công trong giao dịch nhận chuyển nhượng Auchan Việt Nam- chuỗi siêu thị từ tay một nhà bán lẻ Pháp.

br class=

Hơn 200.000 khách hàng thành viên Auchan sẽ được chuyển sang chương trình khách hàng thân thiết của Saigon Co.op.

Đa dạng mạng lưới

Saigon Co.op là một trong những nhà bán lẻ kỳ cựu trên thị trường nội địa, sở hữu nhiều vị trí bán hàng quan trọng cũng như hệ thống nhà cung cấp lớn, phục vụ cho tầng lớp dân cư thu nhập trung bình và công nhân viên chức – đối tượng chiếm số đông trong nền kinh tế. Do đó, Saigon Co.op là đối thủ dày dạn và có lợi thế về quản lý, sở hữu Nhà nước, thực hiện các chính sách bình ổn giá đối với nhiều mặt hàng- vừa hỗ trợ đối tác bán hàng, vừa thu hút khách hàng gắn bó.

700 là số siêu thị, cửa hàng, chuỗi tiện lợi.... mà Saigon Co.op sở hữu đến nay để phục vụ mọi đối tượng khách hàng.

Tuy nhiên, sự thay đổi và tăng trưởng về mạng lưới, hệ thống của Saigon Co.op chỉ bắt đầu trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi cùng với hệ thống siêu thị Co.op Mart, các mô hình kinh doanh khác như Coop Food, Coop+…lần lượt ra đời. Sự thay đổi này, cùng với thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM, đánh dấu sự lan tỏa của phong trào hợp tác xã đi ra thị trường phục vụ đời sống cộng đồng có cải tiến quản trị chiến lược để thích ứng không gian cạnh tranh mới.

Đa dạng hóa mô hình và tiếp nhận quản trị hiện đại bao gồm cả bắt tay với Hợp tác xã từ Singapore, Saigon Co.op có nhiều thương hiệu đa dạng như Co.op Mart, Co.opXtra, Co.op Smile, Cheers 24h, Co.op Food… Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn có Fine life với định hướng cửa hàng cao cấp sẽ ra mắt trong năm 2019.
Trước khi kế thừa chuỗi bán lẻ của Auchan, không tính các kênh thương mại điện tử hay truyền hình, Saigon Co.op đã sở hữu mạng lưới trên 700 điểm bán là siêu thị, cửa hàng, chuỗi tiện lợi… phục vụ mọi đối tượng khách hàng và nhu cầu khác nhau. Kế thừa chuỗi của Auchan Việt Nam, số lượng điểm bán của Saigon Co.op chỉ đứng sau VinCommerce.

Củng cố năng lực cạnh tranh

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết sau khi tiếp nhận 18 siêu thị của Auchan, Saigon Co.op sẽ nhanh chóng khai trương mới các điểm bán này dưới dạng siêu thị Co.opmart, Co.optra, Finelife... từ nay đến cuối năm nay.

Với lợi thế có nhiều điểm bán có vị trí đắc địa, hiểu biết luật pháp cũng như văn hóa tiêu dùng và phong tục tập quán địa phương, Saigon Co.op tiếp tục khai thác lợi thế và phát huy các mô hình quản trị tiên tiến đã được nhập khẩu, phát triển bán lẻ theo hướng đa kênh dưới cùng một thương hiệu “mẹ” (siêu thị - đại siêu thị - chuỗi của hàng nhỏ - cửa hàng tiện lợi…), vừa liên tục cải tiến mô hình kinh doanh và giữ được tốc độ tăng trưởng tốt.

Chuyên gia Tư vấn chiến lược Đỗ Thanh Năm, cho rằng việc Saigon Co.op nhận chuyển nhượng Auchan Việt Nam không chỉ là “thanh thế” hay bộ mặt cho Saigon Co.op, mà còn cho thấy sự trở mình có tính toán và lộ trình, cũng như năng lực nắm bắt cơ hội của Saigon Co.op để củng cố năng lực cạnh tranh của mình.

Đa dạng hóa mô hình và mạng lưới bán hàng phù hợp từng phân khúc đã và đang nâng Saigon Coop lên vị thế mới, tiếp tục củng cố “thế lực” phân phối nội, để sẵn sàng đối đầu với các nhà bán lẻ Nhật, Hàn, Thái – nhóm đầu tư đang có tham vọng chi phối hệ thống phân phối của Việt Nam.

Giành giật thị phần bán lẻ

Trong cuộc chiến ở khu vực đại siêu thị và siêu thị mini, nổi bật phía các ngoại binh có những tên tuổi như 7Eleven (Nhật), Central Group (Big C, Thái), TCC Holding (MM Mega Market, Thái), Lotte Mart (Hàn), (Aeon Mall (Nhật), Emart (Hàn), Family Mart (Nhật), Cirle K (Mỹ). Có nghĩa, hầu hết các nhà bán lẻ danh tiếng xuất xứ châu Á và rất ít từ thị trường khác, vẫn còn ở lại, kiên trì bám sân chơi.

Về tốc độ tăng trưởng, khi mới vào thị trường, 7Eleven là nhà bán lẻ được cho là đối thủ đáng gờm của VinMart. Doanh nghiệp này, qua Seven System Việt Nam, đặt mục tiêu sẽ có 1.000 cửa hàng. Nhưng từ tháng 6/2017 đến nay, 7Eleven vẫn mới chỉ có 33 cửa hàng tiện ích. Trong khi đó, một đối thủ “im hơi lặng tiếng” cũng đến từ Nhật là Family Mart đã có 147 cửa hàng tiện lợi bán lẻ và phân khúc khách hàng riêng.
Ở khu vực đại siêu thị và siêu thị, Central Group mua lại chuỗi Big C từ tay người Pháp với giá 1,05 tỷ USD, đang cạnh tranh ở phân khúc tương tự như Co.op Mart và VinMart. Gia tộc tỷ phú Thái cũng đã có bước đi chiến lược để đối mặt với chuỗi VinMart hay Aeon Mall và các nhóm siêu thị khác qua mô hình Go!Market.
Trong khi đó, Emart là nhà bán lẻ đáng gờm của Hàn, vẫn mới chỉ loay hoay ở 1 trung tâm duy nhất tại TP.HCM, chậm chân hơn hẳn so với người đồng hương Lotte Mart với 15 siêu thị lớn, tập trung ở phía Nam, Đà Nẵng và Hà Nội.

Nhìn chung, thị trường bán lẻ vẫn đang tỏ ưu thế nghiêng về các doanh nghiệp nội với tỷ lệ 151/205 siêu thị, chiếm tỷ trọng gần 75%, đồng thời nắm giữ 26/46 trung tâm thương mại (chiếm 56,5%). Tuy nhiên, việc cạnh tranh với các nhà bán lẻ ngoại vốn nhiều tài lực, vẫn đòi hỏi các nhà bán lẻ nội không ngừng cải tiến mô hình kinh doanh để tiếp tục giữ thị phần.

Để bảo vệ và phát triển các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tận dụng triệt để quyền kiểm tra nhu cầu kinh tế thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý, làm rõ tiêu chí mở điểm bán lẻ thứ hai trở để tránh nguy cơ thị trường bán lẻ bị các doanh nghiệp ngoại lấn sân, thôn tính.
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước về những mặt còn yếu để rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp ngoại như: Đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng; phát triển hệ thống logistics; hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu; thông tin thị trường và nguồn hàng; liên kết các doanh nghiệp bán lẻ với nhà sản xuất, nhà phân phối...

Lê Mỹ