Xi măng ViCEM Hải Phòng: Vững chắc xây nền cho tương lai
Trong bối cảnh ngành xi măng cung vượt cầu, đầu tư xây dựng bị hạn chế, thị trường BĐS trầm lắng nhưng Vicem Hải Phòng vẫn vững mạnh phát triển.
Trưởng thành từ thời Pháp thuộc
Lịch sử 120 năm của Xi măng Vicem Hải Phòng trải dài qua 3 thế kỷ, gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng XHCN công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ chủ quyền tổ quốc Việt Nam.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của người Pháp. Do máy móc thiết bị còn thô sơ, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại bị áp bức nặng nề nên công nhân Xi măng Hải Phòng đã đứng lên đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng tiên phong cách mạng ở Hải Phòng và cả nước. Ngày 8/1/1930, cuộc bãi công lớn trong toàn Nhà máy thu hút gần 2.000 công nhân tham gia, đòi tăng lương, chống đánh đập, cúp phạt... đã giành được thắng lợi và ngày 8/1 trở thành ngày truyền thống của Nhà máy Xi măng Hải Phòng, nay trở thành ngày truyền thống ngành xi măng Việt Nam.
Khắc phục những khó khăn sau chiến tranh, thực hiện đường lối đổi mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lãnh đạo nhà máy đã chỉ đạo tổ chức sắp xếp lại sản xuất và lực lượng lao động, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường. Đến năm 1993, Nhà máy xi-măng Hải Phòng và Công ty kinh doanh xi- măng Hải Phòng sáp nhập thành Công ty Xi-măng Hải Phòng, trực thuộc Tổng công ty Xi-măng Việt Nam.
Từ năm 1996, Công ty Xi-măng Hải Phòng gặp nhiều khó khăn và thách thức về tình trạng thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu kém, lại chịu sức ép lớn về giải quyết ô nhiễm môi trường, vấn đề bảo đảm việc làm, ổn định về đời sống, tư tưởng cho hơn 3.500 người lao động. Những nhiệm vụ phức tạp luôn đặt ra cho công ty những câu hỏi lớn, phải làm gì, làm thế nào để vượt qua, đồng thời đòi hỏi quyết tâm lớn hơn, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ sản xuất và chuyển đổi sản xuất.
Vững mạnh cả về chất , về lượng...
Với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án Nhà máy Xi-măng Hải Phòng (mới) ban hành ngày 29-11-1997, cùng ba dự án chuyển đổi, đồng thời giải quyết chu đáo chế độ cho gần 2.000 người lao động dôi dư và sắp xếp bố trí, đào tạo nhân lực, công ty đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Ngày 24-1-2006, lễ dừng lò nung và sau đó dừng hoạt động của hệ nghiền đóng bao, đã chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xi-măng tại nhà máy cũ sau 107 năm hoạt động. Phát huy truyền thống “Đoàn kết - kiên cường - sáng tạo”, Đảng bộ, công nhân viên công ty chính thức bước vào giai đoạn lịch sử mới với thế và lực mới, tiếp tục đưa ngành xi-măng Hải Phòng phát triển bền vững.
Từ năm 2005 đến nay, Công ty Xi-măng Hải Phòng tích cực tiếp thu, nắm bắt và làm chủ được dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến, tổ chức sản xuất hiệu quả trên dây chuyền mới; đã sản xuất hơn 15,40 triệu tấn clanh-ke, tiêu thụ 21 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt hơn 21.500 tỷ đồng, trả nợ vốn và lãi vay đầu tư xây dựng 3.635 tỷ đồng, số còn lại 150 tỷ đồng sẽ được trả hết trong năm tới. Nộp ngân sách nhà nước hơn 800 tỷ đồng (bình quân hằng năm khoảng 60 tỷ đồng). Mức lương bình quân 13 triệu đồng/người/tháng hiện nay cho thấy đây là một trong những doanh nghiệp có thu nhập cao của TP Hải Phòng.
Năm 2011 được chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên; tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy theo chuỗi giá trị năm công đoạn và bảy phân đoạn, giảm số đầu mối từ 27 đơn vị phòng, ban, phân xưởng xuống còn 17 đầu mối. Cơ cấu và sắp xếp lại lao động theo hướng tinh giản, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tăng năng suất lao động; số lao động từ 1.250 người nay giảm còn 835 người. Công ty cũng thường xuyên đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Theo kế hoạch, năm 2019 và những năm tiếp theo, công ty sẽ mở rộng, sản lượng sản xuất và tiêu thụ từ 3 đến 3,2 triệu tấn/năm, hướng tới mục tiêu quy mô sản lượng từ 5 đến 5,5 triệu tấn/năm; thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày nay khi nhắc đến thương hiệu “Con Rồng” Vicem Hải Phòng đã trở thành niềm tự hào của người Hải Phòng, và cung là nhà cung cấp xi măng cho tất cả các công trình trọng điểm của TP như: Đường 5 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng Lạch Huyện, cầu Tân Vũ... và hiện Cty đang triển khai cung ứng 100% XM cho chương trình xây dựng nông thôn mới của TP./.
Có thể bạn quan tâm