So sánh liên phòng thí nghiệm – thêm công cụ khẳng định chất lượng xăng dầu
Hơn 10 năm sản xuất và cung ứng khoảng 40% nhu cầu thị trường; sản phẩm xăng dầu của BSR đã và đang đứng vững trên thị trường trong nước.
Trong thương trường, khi sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa sản phẩm của BSR với sản phẩm của Nghi Sơn và sản phẩm nhập khẩu khác thì việc xác định tính chính xác và độ tin cậy của kết quả thử nghiệm của các Phòng Thí nghiệm (PTN) là vô cùng quan trọng.
So sánh liên phòng là phương pháp đánh giá năng lực PTN bằng cách so sánh kết quả thử nghiệm giữa các PTN. Đây là công cụ đảm bảo chất lượng hữu hiệu, cho phép các PTN theo dõi và đánh giá năng lực của mình.
NMLD Dung Quất được trang bị phòng thí nghiệm rất hiện đại, các trang thiết bị tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí. Các nhân sự của phòng thí nghiệm được đào tạo thực tế cả trong và ngoài nước nên có trình độ cao. Với tiềm lực đó, phòng thí nghiệm của Công ty hiện nay có thể thực hiện được tất cả các phép thử nghiệm cho sản phẩm lọc hóa dầu với độ chính xác cao. Để nâng cao và khẳng định hơn nữa năng lực của phòng thí nghiệm này, từ năm 2010, Công ty đã triển khai áp dụng Hệ thống quản lý năng lực phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005. Đến nay, Hệ thống này đã được Văn phòng công nhận chất lượng Việt Nam (BoA) đánh giá nhiều lần và cấp giấy chứng nhận VILAS số 456 có hiệu lực đến ngày 08/11/2019. Vào ngày 25-26/9/2019, BoA sẽ đánh giá chuyển đổi theo phiên bản ISO 17025:2017. Nhờ sự nỗ lực to lớn đó, phòng thí nghiệm của Công ty hiện nay là một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất, chính xác nhất ở Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Kỹ sư Phạm Thị Thêm thực hiện kiểm tra chất lượng mẫu
Tại điều 5.9 của ISO/IEC 17025:2005 có viết: “Yêu cầu chung về năng lực phòng thí nghiệm và hiệu chuẩn, theo đó các phòng thí nghiệm cần phải tham gia vào chương trình so sánh liên phòng và điều này xem như một trong những chuẩn mực để công nhận phòng Thí nghiệm”. Xuất phát từ nhu cầu công việc và yêu cầu kỹ thuật trên, từ năm 2017, nhóm tác giả của Ban Quản lý chất lượng gồm; ông Nguyễn Phú Dung – khi đó là Trưởng phòng QLCL, ông Phạm Công Nguyên – khi đó là Phó Trưởng phòng QLCL cùng các kỹ sư giàu kinh nghiệm như kỹ sư Bùi Xuân Lực, Nguyễn Thị Hồng Yến, Lê Thị Phương Trang, Phạm Thị Thêm... đã cùng nghiên cứu và tổ chức triển khai thành công đề tài “Chương trình so sánh liên phòng các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu” nhằm tạo sự gắn kết và hiểu biết lẫn nhau hơn nữa giữa các đơn vị trong cùng ngành, tạo cơ hội đánh giá độ tin cậy, tính chính xác của kết quả thử nghiệm giữa các phòng thí nghiệm xăng dầu.
Kỹ sư Bùi Xuân Lực nhớ lại: “Đây là công việc mới nên anh em kỹ sư trong đơn vị ban đầu chưa có chương trình khung và hệ thống văn bản để quy chiếu. Chúng tôi đã rà soát lại, tham khảo cách làm ở một số nơi, áp dụng thực tế tại BSR một cách hiệu quả và sáng tạo nhất. Chúng tôi đã bắt đầu triển khai ý tưởng bằng cách gửi công văn và phiếu đăng ký đến các phòng thí nghiệm trong cùng lĩnh vực để mời các phòng thí nghiệm tham gia chương trình. Sau đó là một chuỗi công việc khá căng thẳng: Lấy mẫu - Chuẩn bị mẫu - Kiểm tra đồng nhất - Gửi đến các phòng thí nghiệm - Nhận kết quả và xử lý kết quả - Đánh giá kết quả - Lập báo cáo đánh giá kết thúc”.
Kỹ sư Phạm Thị Thêm cho biết: “Việc nghiên cứu tiêu chuẩn ISO 13528:2015 để xử lý dữ liệu thống kê thu thập được từ các PTN tham gia chương trình vô cùng phức tạp. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới với chuyên môn sâu của những khái niệm như Z-score, khoảng tứ phân vị, độ lệch chuẩn... Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực hết mình, sau những đêm thức nghiên cứu tài liệu, các kỹ sư trẻ QLCL đã nhanh chóng nắm bắt và làm chủ phương pháp để cho ra đời quy trình và báo cáo chính xác được các đối tác “tâm phục khẩu phục””. Để đạt được kết quả này, Ban QLCL đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm phương hướng và triển khai thực hiện. Với 15 PTN tham gia chương trình, số lượng mẫu phải chuẩn bị và gửi đi đồng thời là rất lớn, trong đó yêu cầu các mẫu phải thật sự đồng nhất về chất lượng theo tiêu chuẩn đòi hỏi các nhân sự QLCL phải thật sự thành thạo trong từng thao tác. Việc lập chương trình, quy trình, tổng hợp kết quả và phân tích, đánh giá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ISO 13528:2005 cũng đã đặt ra nhiều thách thức nghiên cứu và sáng tạo. Tuy nhiên, bằng sự quyết liệt, tâm huyết, dám nghĩ dám làm, Ban QLCL đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay từ đợt so sánh liên phòng đầu tiên.
Theo kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Yến, đến nay, Ban QLCL đã triển khai thực hiện thành công 6 Chương trình so sánh liên phòng cho sản phẩm điêzen và xăng. Đợt đầu tiên thực hiện cho sản phẩm điêzen vào tháng 10/2017.
Qua 6 đợt tổ chức chương trình so sánh liên phòng, PTN thuộc Ban Quản lý Chất lượng của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn có kết quả 100% đạt yêu cầu theo đánh giá của tiêu chuẩn ISO13528. Mặc dù là “nhân vật chính” của Chương trình, thực hiện toàn bộ các công đoạn từ lấy mẫu, gửi mẫu, nhận kết quả, tổng hợp, phân tích, đánh giá và báo cáo kết quả cho các đợt so sánh liên phòng nhưng chị Yến luôn khiêm tốn cho rằng đó là thành quả chung của cả nhóm tác giả. Chị nói: “Nhờ có các kỹ thuật viên nhiệt tình thử nghiệm mẫu nên công việc mới triển khai được nhanh như vậy. Khi có bản thảo báo cáo, các kỹ sư của phòng thí nghiệm cũng tham gia góp ý rất chi tiết, đưa ra nhiều căn cứ đánh giá xác đáng, làm cho báo cáo đạt được chất lượng cao.
Phòng Thí nghiệm BSR được trang bị máy móc, thiết bị rất hiện đại
Kết quả thu được từ chương trình so sánh liên phòng là thông tin rất quan trọng để BSR có định hướng trong việc tìm chọn đơn vị giám định, đơn vị trọng tài và giải quyết những phàn nàn, khiếu nại về chất lượng của khách hàng liên quan đến sản phẩm. Kết quả so sánh liên phòng cũng góp phần khẳng định PTN BSR là một trong những PTN chính xác nhất, tin cậy nhất Việt Nam hiện nay.
Kỹ sư Lê Thị Phương Trang nhận định: Với định hướng “Chất lượng là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp”, sự thành công của chương trình này góp phần vào việc thực hiện thành công KPI quan trọng của BSR “100% lô hàng xuất bán ra thị trường đạt chất lượng”, đem lại thành công chung của BSR trong các năm qua. Chương trình so sánh liên phòng sẽ được tổ chức định kỳ trong các năm tiếp theo, trở thành một công cụ hữu hiệu để BSR kiểm soát chất lượng thử nghiệm của các đơn vị trọng tài, đơn vị giám định và khách hàng, thúc đẩy các đơn vị này tăng cường độ chính xác của kết quả thử nghiệm do họ cung cấp, góp phần đem lại sự ổn định cho hoạt động chất lượng của BSR. Đồng thời, kết quả so sánh liên phòng cũng góp phần khẳng định PTN BSR là một trong những PTN chính xác nhất, tin cậy nhất Việt Nam hiện nay. Về phía các đơn vị giám định, trọng tài và các khách hàng, thông qua kết quả này cũng cho các đơn vị thấy được những điểm cần cải tiến để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của BSR.