Đạm Cà Mau đặt mục tiêu gần 8.000 tỷ doanh thu năm 2020
Để đạt mục tiêu 8.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2020, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Ngày 19 tháng 12 năm 2019, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) công bố thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020.
Theo đó, nếu xét trong bối cảnh của bức tranh nông nghiệp Việt Nam hiện tại thì việc tiếp tục tăng 10% doanh thu so với 2019 lên gần 8.000 tỷ đồng, sản lượng kinh doanh hơn 1 triệu tấn phân bón và đưa vào vận hành nhà máy NPK Cà Mau trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, sẽ là mục tiêu khá thách thức của PVCFC.
Đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp và phân bón hiện nay, đây là kế hoạch thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ Đạm Cà Mau khi phải đối diện với rất nhiều khó khăn ở các góc độ khác nhau. Từ đầu năm 2019, Đạm Cà Mau phải đối mặt với việc không còn hưởng cơ chế giá khí đảm bảo Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu đạt 12% như các năm qua mà bắt đầu chịu giá khí thị trường (0,46HSFO+Tariff) điều này làm tăng chi phí mua khí, giảm hiệu quả SXKD và giảm khả năng cạnh tranh với các đơn vị sản xuất phân đạm khác trong nước và cả khu vực. Thêm vào đó là sự ảnh hưởng của thời tiết bất lợi và giá nông sản xuống thấp làm nhu cầu sụt giảm, thị trường phân bón cạnh tranh khốc liệt hơn. Những yếu tố này đã được Đạm Cà Mau tính toán cân nhắc và dự phòng bằng việc đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức khiêm tốn trong năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Nhà máy NPK Phú Mỹ sản xuất thành công nhiều công thức sản phẩm mới
17:01, 05/07/2019
NPK Cà Mau nhận giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ III năm 2018
21:40, 12/11/2018
Được biết, để đạt được kế hoạch này, ngay từ cuối năm 2019 Công ty đã đề ra và khẩn trương thực hiện các giải pháp tối ưu hóa đồng bộ từ sản xuất đến kinh doanh, nghiên cứu phát triển và tái cấu trúc bộ máy nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh, phát triển các thị trường tiềm năng, đồng thời tiếp tục ưu tiên tiết giảm chi phí mọi mặt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích tối đa cho cổ đông, khách hàng và người lao động.
Dự kiến Quý 1/2020, Đạm Cà Mau sẽ đưa nhà máy NPK Cà Mau vào vận hành chính thức để phục vụ nhu cầu chăm bón của bà con nông dân đúng mùa vụ. Với sản lượng kế hoạch 160.000 tấn năm 2020, nhà máy NPK Cà Mau sẽ đóng góp khoảng 1200 tỷ đồng cho doanh thu toàn Công ty. Dự án NPK Cà Mau được đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay của nhà thầu ESPINDESA-Tây Ban Nha và từ những thiết bị chính của các nước EU/G7, khi hoàn thành ổn định sẽ cung cấp cho bà con 300.000 tấn phân bón NPK chất lượng cao với giá thành cạnh tranh.
Ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “với dự án NPK, mong muốn của chúng tôi là sẽ đem đến bộ sản phẩm thật sự khác biệt, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm cây, từng vùng cây trồng, giúp cho nông dân canh tác đạt năng suất cao, góp một phần chia sẻ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trước nạn phân bón kém chất lượng và giá nông sản bấp bênh. Đây là một dự án đầy khả thi cho Đạm Cà Mau trong bối cảnh giá và nguồn khí của Đạm Cà Mau đang gặp khó khăn”.
PVCFC đang nỗ lực theo đuổi chiến lược phát triển công nghiệp phân bón dài hạn, thân thiện với môi trường nhưng để thành công, tiếp tục đóng góp lớn cho nền kinh tế, lại phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ, đồng hành về mặt chính sách của Nhà nước. Đối với Đạm Cà Mau, cơ chế giá khí hợp lý chính là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của chiến lược phát triển này.
Năm 2019 - một năm nhiều thách thức với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh Việt Nam. Thế nhưng, Đạm Cà Mau như con thuyền ngược dòng, với chiến lược linh hoạt, sự tập trung cao độ, đồng lòng quyết tâm đã vượt sóng cán đích an toàn. Sản xuất duy trì ở 110% công suất và là năm đầu tiên đạt 864.000 tấn, về đích trước 36 ngày. Doanh thu kết năm đạt 7.054 tỷ đồng; lợi nhuận 339 tỷ đồng. Hơn 1 triệu tấn sản phẩm các loại được tiêu thụ, cán mốc 6 triệu tấn sau 8 năm vận hành. Bên cạnh giữ vững 60% thị phần khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau đã tiếp tục nâng dần thị phần ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Campuchia và từng bước tham gia thị trường quốc tế với việc xuất khẩu 75.000 tấn vào các nước thuộc khu vực Nam Á.