BSR đứng thứ 18 công ty đại chúng lớn nhất Việt Nam

Mai Phương 31/12/2019 11:42

Ngày 30/12, Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất Việt Nam”.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vinh dự trong Top 10 của danh sách; ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhiều cái tên khác trong ngành Dầu khí như BSR, PV Power, PTSC, PVOIL, PVFCCo, PVI, PVCFC và PVTrans, NT2.

Theo danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” do Forbes Việt Nam công bố, ngành Dầu khí đứng thứ 2 về số lượng doanh nghiệp với 10 cái tên lọt vào danh sách. Cụ thể, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đứng vị trí thứ 6; Công ty Cổ phần Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) – xếp thứ 18; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) – thứ 27; Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) – thứ 39; Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL) – thứ 41; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo) – thứ 68; Công ty Cổ phần PVI – thứ 76; Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) – thứ 80; Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) – thứ 90; Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans)- thứ 93.

Trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, BSR đứng thứ 2 sau PV Gas - doanh nghiệp đại chúng lớn nhất Việt Nam

Đây là lần đầu tiên Forbes Việt Nam thực hiện danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” tại Việt Nam. Danh sách này được Forbes Việt Nam đánh giá quy mô doanh nghiệp dựa trên bốn tiêu chí: doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa, theo phương pháp xếp hạng danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes (Mỹ).

Các doanh nghiệp Việt Nam từng xuất hiện trong danh sách Global 2000 của Forbes (Mỹ) như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Vingroup chia nhau các vị trí dẫn đầu của danh sách. Đặc biệt Top 10 ghi nhận dấu ấn của khối doanh nghiệp tư nhân khi chiếm đến 5/10 vị trí.

Các doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát, Techcombank, VPBank, THACO, Masan Group… có thứ hạng cao trong danh sách. Nhiều thành viên các tập đoàn kinh tế tư nhân như Vingroup, Masan Group, FPT có mặt trong danh sách bên cạnh sự có mặt của nhiều tập đoàn lớn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa.

Với đặc thù ngành, lĩnh vực ngân hàng chiếm tỷ lệ áp đảo với 22 đại diện, trong đó có 6 vị trí nằm trong top 10. Tiếp theo sau là các ngành Dầu khí, bất động sản và bán lẻ.

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, sàn HSX có 65 đại diện, UPCoM có 23 đại diện, HNX có 7 đại diện, còn lại là các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết.

Về phương pháp tính, Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng Global 2000 của Forbes. Bước đầu tiên là tập hợp danh sách các công ty đại chúng bao gồm các công ty cổ phần có trên 100 cổ đông chưa niêm yết và các công ty niêm yết tại HSX, HNX và UPCoM. Tiếp theo, tập hợp số liệu tài chính về tổng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa theo báo cáo tài chính kiểm toán thường niên gần nhất - năm 2018.

Vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết chốt mức giá đóng cửa ngày 13/12/2019; vốn hóa doanh nghiệp chưa niêm yết xác định bằng cách lấy số cổ phần nhân với P/E trung bình của các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành. Kế tiếp, chấm điểm các doanh nghiệp trên bốn chỉ tiêu tài chính. Tổng điểm cuối cùng xác định vị trí thứ hạng của các công ty trong danh sách.

Mai Phương