VICEM kỷ niệm 120 năm ngày ra đời ngành xi măng Việt Nam, và nhận Cờ Thi đua Chính phủ
Tối 10/1/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày ra đời ngành xi măng Việt Nam và 90 năm ngày Truyền thống công nhân xi măng.
Chặng đường lịch sử 120 năm qua, nhà máy xi măng Hải Phòng là nhà máy Xi măng đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương do người Pháp khởi công xây dựng vào ngày 25/12/1899, đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Đến nay, cả nước đã có trên 100 đơn vị thành viên của hội sản xuất xi măng; với thành phần đa dạng, từ các nhà máy trực thuộc trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp nhà nước đến các công ty cổ phần, công ty liên doanh có vốn góp từ nước ngoài; từ các dây chuyền sản xuất đồng bộ đến các trạm nghiền xi măng độc lập; từ các đơn vị sản xuất bao bì, cung ứng dịch vụ vận tải đến các đơn vị làm công tác tư vấn, công tác đào tạo… Ngành xi măng Việt Nam có thêm nhiều nhà máy xi măng hiện đại. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, ngành Xi măng đã đẩy tốc độ đầu tư lên quá nhanh, đến nay ngành Xi măng có quy mô, công suất khoảng 100 triệu tấn, đứng thứ 4 thế giới về qui mô công suất.
Chung với sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) vươn lên mạnh mẽ, đổi mới sáng tạo, thường xuyên nâng cấp cải tạo công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất - kinh doanh xi măng, đã đưa tổng công suất của VICEM hiện nay trên 30 triệu tấn, thương hiệu VICEM dẫn đầu thị trường, phát triển bền vững với thời gian, tiếp tục khẳng định vai trò VICEM là trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.
Sau thời gian được tái cấu trúc tổng lực, thực tế cho thấy kết quả sản xuất năm 2019 VICEM đã tiêu thụ 30 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 36 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận gần 3.300 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2018, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 18%, cao hơn cả các doanh nghiệp nước ngoài và các Công ty liên doanh tại Việt Nam. VICEM đã trở thành một doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đời sống cán bộ công nhân viên được nâng cao, lương bình quân người lao động tăng lên 10%, thu nhập đạt 14 triệu đồng/người/tháng, nộp ngân sách vượt 20% kế hoạch. VICEM tiếp tục giữ vững là doanh nghiệp Nhà nước đầu tầu dẫn dắt các thành phần kinh tế khác trong chuỗi giá trị xi măng cùng phát triển.
Theo kế hoạch trong thời gian tới, VICEM và FLSmidth sẽ hợp tác để nghiên cứu, phát kiến, phát minh công nghệ sản xuất xi măng thế hệ mới làm thay đổi căn bản công nghệ hiện nay với mục tiêu, sứ mệnh là giảm tối đa, tiến tới sử dụng không đáng kể nguyên liệu, tài nguyên hóa thạch, tài nguyên không tái tạo; không phát ra các khí thải ảnh hưởng đến môi trường, thu hồi tuần hoàn khí thải có ích, trả lại môi trường tuân theo quy luật của tự nhiên. Đồng thời tăng khả năng thu hồi nhiệt, kết hợp với công nghệ hơi nước để phát điện, vừa tự cung cấp điện cho dây chuyền sản xuất, vừa có thể cung ứng điện cho xã hội.
Đặc biệt, tận dụng tối đa các chất thải của các ngành công nghiệp và các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hàng ngày của xã hội như: rác thải, bùn thải, các loại chất thải khác để tạo ra nhiệt để thay thế nhiên liệu, nguyên liệu trong sản xuất, vừa đảm bảo làm sạch môi trường vừa tuân theo quy luật tuần hoàn tự nhiên để ngành Xi măng trở thành ngành kinh tế tổng hợp phát triển xanh, bền vững theo ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tối ưu hóa sản xuất, quản trị và kinh doanh, nâng khả năng cạnh tranh quốc tế.