Thực phẩm chức năng hay thần dược?

Tiến Dũng 18/12/2020 12:05

Vốn chỉ là Thực phẩm chức năng, một loại sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh nhưng lại được nhiều tổ chức cá nhân quảng cáo như thần dược, có thể chưa được bạch bệnh.

Đây là vấn nạn đã được các cơ quan chức năng chỉ ra:

Thời gian qua, tình trạng vi phạm quảng cáo Thực phẩm chức năng diễn ra tràn lan khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Trong đó, hình thức vi phạm phổ biến là quảng cáo TPCN có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng...

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết Cục An toàn thực phẩm đã liên tục thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh, tuy nhiên do sự phát triển nhanh chóng về công nghệ như mạng xã hội, Zalo, Facebook… cộng với tốc độ phát triển thị trường quá nhanh nên việc xử lý chưa được hiệu quả.

Nhiều trang mạng quảng cáo TPCN như thần dược.

Nhiều trang mạng quảng cáo TPCN như thần dược.

Từ ngày 1.1.2020 đến ngày 25.9.2020, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 48 cơ sở, tổng số tiền phạt: 2.789.618.715 đồng, trong đó xử phạt 36 cơ sở vi phạm về quảng cáo với tổng số 40 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt về quảng cáo là: 1.615.000.000 đồng.

Cục An toàn thực phẩm cho biết đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, làm việc với Facebook xử lý các chủ tài khoản bán sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật. Thế nhưng, hiện nay tình trạng vi phạm quảng cáo vẫn rất phức tạp, nhức nhối.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết xu hướng tiêu dùng TPCN hiện nay ngày một tăng lên, bởi TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học…

Thực tế, những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, kéo theo là hàng loạt các chiêu trò kinh doanh cũng bắt đầu nở rộ, trong đó, đáng quan ngại nhất là tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn với thuốc điều trị,… tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Trên thị trường TPCN hiện nay, 70% các sản phẩm được lưu hành là do các cơ sở sản xuất trong nước sản xuất, hơn 20% là thực phẩm chức năng nhập khẩu, nếu không có sự quản lý tốt trong việc quảng cáo loại sản phẩm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn, bởi, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, tình trạng những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẵn sàng làm ăn chụp giật, quảng cáo thổi phồng công dụng,… không còn hiếm trong thời gian qua.

Tại toạ đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để thị trường TPCN phát triển lành mạnh, trước hết doanh nghiệp TPCN cần làm ăn chân chính, minh bạch thông tin về sản phẩm và giá tới người tiêu dùng.

Ở góc độ người tiêu dùng thì cũng rất cần sự thông thái khi đặt mua sản phẩm, tìm hiểu thông tin cụ thể.

Tiến Dũng