Lần đầu xuất khẩu thạch đen chính ngạch sang Trung Quốc
Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư XNK Đức Quý (Lạng Sơn) đang triển khai lô hàng 1.000 tấn tinh bột thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh.
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, giá thạch đen thô đã tăng gấp đôi, từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg, người nông dân thắng lớn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm vùng sản xuất thạch đen tập trung tại xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.
Cú hích lịch sử từ Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc
Theo ông Hà Văn Quý, Giám đốc Công ty Đức Quý, chia sẻ: Trước đây, chúng tôi đã xuất khẩu thạch đen sang Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia. Ngay sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư về xuất khẩu thạch đen, chúng tôi lập tức kết nối với đối tác Trung Quốc để hợp tác kinh doanh.
“Yêu cầu của nước bạn quan trọng nhất là an toàn thực phẩm. Trong nhà máy đã đầu tư các thiết bị chiết xuất, lọc các chất tồn dư có trong phân đạm, phân lân, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, sản phẩm tinh bột thạch đen của chúng tôi 100% là nguyên chất”, ông Quý nói.
Trước đó, doanh nghiệp Đức Quý đã mang mẫu sản phẩm sang Trung Quốc để kiểm tra hóa nghiệm, kết quả đảm bảo 100% chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó đối tác đã ký hợp đồng nhập khẩu lô hàng 1.000 tấn.
Công nhân của Công ty Đức Quý đang phân loại nguyên liệu thạch đen để phục vụ chế biến tinh bột.
Công suất nhà máy chiết xuất tinh bột thạch đen Đức Quý đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Với nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc lớn như hiện nay, ông Quý lo ngại thời gian tới nguồn nguyên liệu sẽ trở nên khan hiếm.
Tại cánh đồng Nà Pan, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, những thửa ruộng bậc thang sau khi thu hoạch vụ lúa mùa đã được phủ rơm để gieo trồng thạch đen. Đây không phải là vụ sản xuất chính, bà con gieo để lấy cây giống, chờ đến tiết lập xuân, khi nhiệt độ dao động từ 18 – 25oC mới gieo đồng loạt.
“Phấn khởi lắm! Từ khi có thông tin thạch đen Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, giá thạch đen khô nhảy vọt từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg”, ông Nông Minh Chuyên, nông dân thôn Khuổi Bắp, xã Tân Tiến chia sẻ.
Với 4 sào trồng thạch đen, năm nay ông Chuyên thu được tổng sản lượng 1,2 tấn sản phẩm khô, giá bán cao nên lợi nhuận cao hơn nhiều so với năm trước.
Bà Trần Thị Giang, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến xác nhận: “Doanh nghiệp thu mua thạch nương giá 47.000 đồng, thạch ruộng 35.000 đồng/kg. Chưa bao giờ giá thạch đen lập kỷ lục như vậy”.
Công nhân công ty Đức Quý vận chuyển lô hàng thạch đen đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Lãi 200 triệu đồng/ha
Người dân xã Tân Tiến chia sẻ, khoảng 5 năm trước, có lúc giá thạch đen rớt thảm, chỉ khoảng 4.000 đồng/kg khô. Bà con chỉ biết ngao ngán nhổ về để đốt lửa. Không ngờ rằng có ngày giá thạch đen lên tới gần 50.000 đồng/kg như hôm nay.
Kỹ sư nông nghiệp Hoàng Thị Luyến (Trung tâm Nông nghiệp huyện Tràng Định), người có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn nông dân địa phương sản xuất thạch đen chia sẻ: Chi phí đầu tư trồng thạch đen không cao, khoảng 1,2 triệu đồng/sào. Trong đó chi phí giống khoảng 800.000 đồng; phân bón hữu cơ khoảng 340.000 đồng (tương đương 1 tạ).
Nếu canh tác tốt, 1 sào thạch đen đạt khoảng 350kg, bán trừ chi phí còn lãi khoảng 7 triệu đồng (tương đương khoảng 200 triệu đồng/ha). Đó là chưa tính lợi nhuận bà con thu được từ vụ lúa xuân.
Thạch đen trở thành cây làm giàu của nông dân Tràng Định.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi thăm một số vùng sản xuất thạch đen và doanh nghiệp chế biến thạch đen tại xã Kim Đồng, Tân Tiến của huyện Tràng Định.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, ngày 8/12 vừa qua Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sản phẩm thạch đen sang Trung Quốc.
Đây là cơ hội tốt mở ra thị trường đối với sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng rất lớn của vùng miền núi phía Bắc. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cần phải chuẩn hóa quy trình canh tác và tổ chức sản xuất, sản xuất phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu.
Theo đó, việc triển khai xây dựng mã số vùng trồng thạch đen thực hiện theo chương trình ứng dụng Hệ thống tiêu chuẩn trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu (OTAS).
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý một số điểm cần khắc phục để thạch đen của huyện Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung xuất khẩu sang Trung Quốc về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư thêm cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận tiện trong việc vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.
“Hiện nay chúng ta đã có thị trường rồi thì vấn đề quan trọng nhất là phải phát triển thị trường và giữ vững được thị trường. Tôi đề nghị các địa phương phải tổ chức lại sản xuất; phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của phía bạn từ vấn đề xác định vùng trồng đến kỹ thuật trồng, canh tác, bảo quả, chế biến và quy cách đóng gói bao bì sản phẩm”, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.
Lạng Sơn có thể phát triển thạch đen lên 11.000ha
Cây thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn được gọi là cây sương sáo, thủy cẩm, tiên thảo, được trồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện gồm: Tràng Định, Bình Gia và Văn Lãng. Diện tích cây thạch đen hàng năm vào khoảng 2 nghìn ha, với sản lượng đạt hơn 10 nghìn tấn.
Thạch đen được trồng chủ yếu trên 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Trong đó, Tràng Định là địa phương có diện tích trồng lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn với 1.385 ha, sản lượng hơn 7 nghìn tấn mỗi năm.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết, thạch đen là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân miền núi, vùng dân tộc ít người.
“Tỉnh đã khảo sát và thấy rằng, có thể phát triển diện tích cây thạch đen tại Lạng Sơn lên 11.000 ha”, ông Thiệu nói.
Đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đưa thạch đen là cây trong danh mục những sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương để chỉ đạo sản xuất. Nhận thức được giá trị của cây thạch đen đến sự phát triển kinh tế địa phương cũng như của nông dân đã có sự quan tâm đầu tư đến kỹ thuật trồng, chăm sóc và mở rộng diện tích từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị thấp bằng trồng cây thạch đen.
Để tận dụng những cơ hội từ Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch cây thạch đen của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn văn bản hóa các nội dung để có cơ sở thực hiện, sớm hướng dẫn đến nông dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng mong muốn Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các nội dung của Nghị định thư trên; hướng dẫn bà con quy trình canh tác thạch đen đạt năng suất cao và chất lượng tốt. Bởi đầu tháng 2/2021 là đến chính vụ trồng, nếu được nên tổ chức vào 15 tháng 1.
“Trên thực tế hiện nay, để nông dân tự làm và mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì nhất định phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Mong Bộ NN-PTNT sớm giới thiệu cho địa phương những doanh nghiệp có đủ tiềm lực để cung ứng dịch vụ từ đầu đến bao tiêu đầu ra cho bà con”, ông Thiệu nói.