Bữa ăn học đường có vai trò thiết yếu đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em

Tiến Dũng 23/12/2020 07:11

Tuy nhiên, vì chưa có sự chuẩn hóa và kiểm soát bằng quy chuẩn, nên bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn chưa bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; chưa có giá trị về giáo dục dinh dưỡng.

Bữa ăn dinh dưỡng hợp lý là vô cùng quan trọng

Hiện nay, 100% học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Yên Lập (Phú Thọ) đều ăn, ở, sinh sống tại trường; do vậy cùng với hoạt động giảng dạy, thì chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo Phó hiệu trưởng Phạm Kim Hùng, do đầu vào đều là học sinh ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập, nên nhiều em còn chưa có đủ dinh dưỡng để phát triển, thậm chí có những học sinh thuộc nhóm trẻ suy dinh dưỡng. Vì vậy, cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn học đường là hết sức quan trọng đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bữa ăn của học sinh Trường Mầm non Mường Nọc huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Bữa ăn của học sinh Trường Mầm non Mường Nọc huyện Quế Phong (Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

“Bữa ăn học đường nhằm cung cấp năng lượng để học sinh phát triển, có đủ sức khỏe để học tập, hoạt động và góp phần cải thiện suy dinh dưỡng cho học sinh cũng như nâng cao tầm vóc cho các em. Căn cứ vào chế độ học bổng của học sinh (được hưởng bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước), nhà trường xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho các em với các món ăn phù hợp, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm” – thầy Phạm Kim Hùng cho hay.

Theo GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: Dinh dưỡng tốt, dinh dưỡng hợp lý rất cần thiết cho sức khỏe và phát triển của trẻ. Trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ có khả năng phát triển cả thể lực và trí lực tốt, học tập của trẻ cũng tốt hơn, tương lai sẽ có thể đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội và đất nước. Vì vậy, bữa ăn dinh dưỡng hợp lý của trẻ (đủ về số lượng và cân đối về chất lượng) là điều vô cùng quan trọng và cần được quan tâm.

“Hiện nay, bữa ăn học đường chưa có sự chuẩn hóa và kiểm soát bằng quy chuẩn dẫn tới việc bữa ăn học đường ở nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và chưa bảo đảm an toàn thực phẩm bữa ăn học đường; chưa có giá trị về giáo dục dinh dưỡng (điều mà người Nhật đã làm rất tốt qua Luật Bữa ăn học đường).

Nhiều trường học chưa có giáo viên/người phụ trách về dinh dưỡng để lên những thực đơn phù hợp với lứa tuổi. Thậm chí, người nấu bếp, nhân viên nhà bếp còn không được đào tạo về dinh dưỡng hoặc nhà trường mua nguyên suất ăn từ các công ty thực phẩm cung cấp cho học sinh và phó mặc các vấn đề về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho các công ty đó” - GS.TS Lê Thị Hợp nhận định.

Kiểm tra và lưu giữ thực phẩm tại Trường Mầm non Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Kiểm tra và lưu giữ thực phẩm tại Trường Mầm non Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Đẩy mạnh mô hình điểm về dinh dưỡng và bữa ăn học đường

Những năm gần đây, dinh dưỡng học đường được coi trọng hơn và người ta hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc người Việt, góp phần mang đến tương lai bền vững. Khẳng định điều này, GS.TS Lê Thị Hợp cho biết: Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1340/QĐ-TTg về Chương trình Sữa học đường quốc gia với mục tiêu thiên niên kỷ là giảm suy dinh dưỡng thấp còi nâng cao tầm vóc của người Việt Nam.

Đặc biệt, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Quyết định 41/QĐ-TTg với nội dung: “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên…”. Trong số các hoạt động được Bộ GD&ĐT triển khai, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh tới mô hình điểm về Dinh dưỡng và bữa ăn học đường do Vụ Giáo dục Thể chất triển khai, với sự đồng hành của tập đoàn TH. Đây là nghiên cứu bài bản, lĩnh hội đầy đủ các thành tựu dinh dưỡng từ kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trên thế giới, kết hợp với khảo nghiệm thực tế tại các địa phương, vùng miền của Việt Nam.

Mô hình điểm này đang được triển khai. Qua mô hình, các chuyên gia sẽ đề xuất một số giải pháp cải thiện bữa ăn học đường và tình trạng dinh dưỡng cho lứa tuổi học sinh. Ví dụ, cần xây dựng thực đơn phù hợp cho học sinh các cấp theo độ tuổi; đưa ra các hướng dẫn cụ thể về lựa chọn thực phẩm trong thực đơn bữa ăn giúp nhà trường và gia đình dễ dàng hiểu và áp dụng, thực đơn dựa trên các loại thực phẩm có sẵn ở địa phương và gồm đủ các nhóm thực phẩm: Nhóm lương thực (gạo, ngô, khoai, bánh mì, bún, phở…) cung cấp đường bột, nhóm cung cấp protein (thịt cá trứng sữa…) rau củ quả cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ), nhóm lipid (dầu mỡ…). Bữa ăn học đường không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho học sinh theo tuổi và giới mà cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm – vấn đề hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe, không thể có tình trạng dinh dưỡng tốt khi an toàn thực phẩm không bảo đảm.

“Từ dự án “Bữa ăn học đường” này, các chuyên gia cũng đặt mục tiêu sẽ đưa ra được các giải pháp giúp chuẩn hóa bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ và nâng cao kiến thức/nhận thức của người làm dinh dưỡng học đường. Cùng với bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng là chế độ vận động hợp lý để bảo đảm trẻ phát triển toàn diện” - GS.TS Lê Thị Hợp chia sẻ.

Chăm sóc dinh dưỡng học đường hợp lý giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng thể chất và trí tuệ. Ảnh minh họa: Thế Đại

Chăm sóc dinh dưỡng học đường hợp lý giúp trẻ phát huy tối đa tiềm năng thể chất và trí tuệ. Ảnh minh họa: Thế Đại

Giải pháp giúp chuẩn hóa bữa ăn học đường

Là Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô Hoàng Thị Yến cho rằng, để bảo đảm bữa ăn học đường, cần quan tâm nguồn gốc thực phẩm và lựa chọn thực phẩm; trong đó ưu tiên các thực phẩm tươi sống, hạn chế thực phẩm đông lạnh. Cùng với đó, xây dựng thực đơn, định lượng hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng; chế biến phù hợp nhu cầu, sở thích học sinh nhưng vẫn bảo đảm cân bằng dưỡng chất...

Dưới góc độ chuyên gia, GS.TS Lê Thị Hợp cho rằng, muốn nâng cao tầm vóc, thể lực học sinh, chất lượng/thực đơn bữa ăn học đường thực sự phải được chuẩn hóa (hoặc cao hơn là được Luật hóa như Nhật Bản và một số nước tiên tiến trên thế giới) và đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút các doanh có tiềm lực vào cuộc nhằm cải thiện bữa ăn học đường. Điều này đã được thể hiện trong Quyết định 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Tôi được biết, 1 số doanh nghiệp đang có tiếp cận khoa học về vấn đề này, điển hình là tập đoàn TH. Cùng với sản xuất, doanh nghiệp này còn nghiên cứu và khuyến nghị các vấn đề về dinh dưỡng lành mạnh cho người Việt, dinh dưỡng học đường. Từ 2013-2014, Tập đoàn TH đã khởi xướng, triển khai Chương trình Sữa học đường với mục tiêu cung cấp nâng cao tầm vóc cho trẻ em lứa tuổi vàng; đề xuất tiêu chuẩn cho sữa học đường để tránh tình trạng sữa kém chất lượng đưa vào trường học. Cuối năm 2018, Tập đoàn TH đã công bố Đề án Dinh dưỡng người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù, đã tham khảo và đúc kết từ sự thành công của dự án Bữa ăn học đường tại Nhật Bản” – GS Lê Thị Hợp thông tin.

Đề án Dinh dưỡng Người Việt kéo dài 10 năm (từ 2018 - 2028), mang lại giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người Việt thông qua việc xây dựng thực đơn cho bữa ăn học đường đủ về năng lượng, cân đối hợp lý giữa các chất dinh dưỡng, cân bằng các vi chất dinh dưỡng thiết yếu; đồng thời cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng thích hợp cho mọi đối tượng. Theo GS Lê Thị Hợp, những nghiên cứu, hoạt động của đề án với các giải pháp nghiêm túc, hiệu quả cũng là một gợi ý tốt cho việc chuẩn hóa bữa ăn học đường nói riêng và dinh dưỡng cho người Việt nói chung để chúng ta có thế hệ học sinh có tầm vóc cả về thể lực và trí lực.

Tiến Dũng