Phòng vệ thương mại giúp mía đường Việt Nam cạnh tranh ngang bằng thời “mở cửa”

DƯƠNG THÀNH 28/12/2020 17:30

Nếu sử dụng “đúng mức - đúng lúc - đúng luật”, PVTM sẽ là “tấm khiên” giúp ngành sản xuất nội địa có thể cạnh tranh ngang bằng khi Việt Nam ngày càng “mở cửa”.

Việt Nam được xem là quốc gia có độ mở cửa cao khi ngày càng tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây là lúc“tấm khiên” phòng vệ thương mại (PVTM) cần được đem ra sử dụng “đúng mức - đúng lúc - đúng luật” để ngành sản xuất nội địa có thể cạnh tranh ngang bằng trên sân chơi mở.

PVTM tạo cạnh tranh ngang bằng chứ không bảo hộ

Tự do hoá thương mại là xu thế tất yếu của thương mại quốc tế hiện đại. Theo đó, các quốc gia tham gia FTA dần gỡ bỏ những rào cản thương mại để hàng hoá được tự do lưu thông qua biên giới, thúc đẩy thị trường vận động và phát triển.

Song song với tinh thần tự do thương mại, luôn tồn tại một nhu cầu chính đáng của các quốc gia thành viên là bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước những rủi ro đe doạ từ hàng hoá nhập khẩu (NK). Do đó, pháp luật thương mại quốc tế vẫn cho phép các quốc gia NK áp dụng một số biện phòng vệ thương mại (PVTM), bao gồm chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ thương mại (TVTM) trong trường hợp hàng hoá NK gây thiệt hại tới ngành sản xuất nội địa của nước NK.

Trong đó, CBPG và CTC là 2 công cụ được áp dụng để xử lý những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh vốn bị lên án trong thương mại quốc tế, đưa thị trường về “chuẩn” công bằng để các đối tượng trong thị trường cùng phát triển bền vững. Riêng với biện pháp TVTM có thể xem là hình thức bảo hộ của quốc gia NK, giải thoát áp lực “tức thời” trong thời kỳ mở cửa trong điều kiện thương mại công bằng.

PVTM là công cụ để giúp ngành sản xuất nội địa cạnh tranh công bằng thời hội nhập, không phải bảo hộ.

PVTM là công cụ để giúp ngành sản xuất nội địa cạnh tranh công bằng thời hội nhập, không phải bảo hộ.

Trên thực tế, đối với nhiều nước thì các biện pháp PVTM này đã được sử dụng từ lâu. Với Mỹ, Canada hay EU đều có những quy định về PVTM các đây gần 100 năm. Tính, song nói về kinh nghiệm PVTM, chúng ta vẫn còn khá “non trẻ”. Các quy định pháp luật trong nước liên quan đến PVTM được ban hành từ năm 2003. Song phải đến 2013, Việt Nam mới thực sự áp dụng PVTM với thép không rỉ về CBPG. Như vậy, chúng ta đã “ngủ đông” suốt 10 năm trước các làn sóng PVTM trên thế giới.

PVTM để mía đường Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng

Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để các ngành kinh tế Việt Nam bao gồm mía đường có chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng khu vực và thế giới. Tuy nhiên, sau 11 tháng thực thi ATIGA, chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan NK đường và giảm thuế NK xuống 5% cho các nước ASEAN, ngành sản xuất đường Việt Nam lại có những “bước lùi” đáng kể. 11 nhà máy đóng cửa, thâm hụt cán cân thương mại… Nguyên nhân được cho là do Việt Nam nghiêm túc mở cửa theo cam kết quốc tế, trong khi đường ngoại qua cửa nước ta lại được “ưu thế về giá” nhờ hậu thuẫn từ Chính phủ, dẫn đến đường Việt Nam bị “ép” ngay trên chính sân nhà.

Mặt khác, cùng với đường nhập khẩu chính ngạch, thị trường mía đường Việt Nam đã và đang đối mặt với lượng lớn đường nhập lậu chưa được kiểm soát, dẫn đến giá đường thị trường bị đẩy thấp, thấp hơn cả giá thành sản xuất. Hệ luỵ là giá mía tụt giảm, người trồng mía lỗ vốn, buộc phải giảm diện tích hoặc bỏ đất hoang, chuyển nghề. Dù doanh nghiệp có đưa ra một số biện pháp hỗ trợ nông dân, nhưng mức giá quá thấp không đảm bảo cuộc sống bám trụ với mía. Chính điều này đã gây sức ép lớn lên ngành mía đường nói chung về hoạt động sản xuất và duy trì vùng nguyên liệu.  

Các chuyên gia cho rằng, năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khối nếu được đưa về điều kiện ngang bằng. Nếu được áp dụng các biện pháp PVTM phù hợp với cam kết quốc tế thì cục diện ngành mía đường Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Đơn cử, nếu áp thuế PVTM (thuế CBPG/ thuế CTC) theo tỷ lệ phù hợp với các mặt hàng đường NK vào Việt Nam có biên độ bán phá giá và mức trợ cấp bất hợp lý, giá đường trong nước sẽ được đẩy lên cao. Không chỉ gia tăng lợi nhuận cho các đối tượng trong chuỗi sản xuất đường của Việt Nam, thuế PVTM được áp dụng đồng bộ và quyết liệt sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, hợp thức hoá đường lậu dưới “lốt” các mặt hàng đường NK chính ngạch được ưu đãi về thuế.

Chính vì vậy, thuế PVTM đang được cho là công cụ khả thi nhất có thể bảo vệ ngành sản xuất đường Việt Nam tại thời điểm này. Mức thuế PVTM được áp dụng “đúng mức - đúng lúc - đúng luật” sẽ giúp ngành mía đường Việt Nam giảm thiệt hại bởi hàng NK, dần hồi phục, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển để đứng vững trong kinh tế thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi ích nào cho quốc gia khi áp thuế phòng vệ thương mại ngành mía đường?

    12:00, 16/12/2020

  • Thuế phòng vệ thương mại: Giải pháp cấp bách đảm bảo an ninh lương thực lâu dài cho quốc gia

    08:00, 09/12/2020

  • Thúc tiến độ điều tra phòng vệ với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan

    11:00, 17/12/2020

DƯƠNG THÀNH