VCG lọt rổ MSCI, hứa hẹn tăng trưởng đột phá
Kết quả kinh doanh quý I của Vinaconex cho thấy, Công ty tiếp tục duy trì phong độ tích cực, hứa hẹn lợi nhuận nghìn tỷ trong năm 2021 và có nhiều triển vọng bước vào giai đoạn tăng trưởng đột phá.
Theo thông báo của MSCI, VCG lọt vào rổ danh mục MSCI Frontier Markets Small Cap Index trong kỳ cập nhật tháng 5/2021. Đây là cơ sở để nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư, tổ chức trong nước xem xét bỏ vốn vào những mã cổ phiếu có trong danh mục này. Bởi để lọt vào rổ chỉ số thường doanh nghiệp phải đạt các tiêu chí cao về quy mô vốn hóa, quy mô lợi nhuận, hoạt động kinh doanh và vị thế ngành.
Với VCG, thị giá cổ phiếu hiện cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt xấp xỉ 47.000 đồng/cp. Quy mô vốn hóa của doanh nghiệp đạt gần 20.000 tỷ đồng. Ấn tượng hơn cả là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của VCG đạt 2.126 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2019. Lãi sau thuế hợp nhất của cả hệ thống đạt 1.690 tỷ đồng, gấp 2,15 lần so với cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phần VCG đạt 3.667 đồng, tăng hơn 2,5 lần so với mức 1.462 đồng của năm 2019.
Quý đầu năm nay, VCG đạt 952 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục quý với 345,3 tỷ đồng, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 31/03/2021, quy mô tổng tài sản hợp nhất của VCG đạt 21.497 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Giá trị tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn đạt 2.588 tỷ đồng, chiếm 12% tổng tài sản. Điều này cho thấy, quy mô vốn hóa trên thị trường của VCG vẫn chưa xứng với tiềm năng của doanh nghiệp. Nếu đạt mức định giá trung bình của các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tính bằng lần trên thị trường chứng khoán, lại ở quy mô nghìn tỷ như VCG, thị giá của cổ phiếu VCG còn có triển vọng tăng trưởng.
Uy tín của VCG trong các mảng hoạt động được xếp hạng khá cao. Cụ thể, Vinaconex nhiều năm liền liên tục xuất hiện trong top 10 nhà thầu hàng đầu Việt Nam theo thang điểm của Vietnam Report.
Minh chứng cho năng lực thi công của Vinaconex là doanh nghiệp liên tục trúng thầu trong các dự án lớn. Tính đến hết quý I/2021, giá trị các hợp đồng xây dựng mà Vinaconex đã ký kết ước đạt gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó một số dự án có giá trị lớn như: 3 trong số các gói thầu lớn nhất của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45) trị giá 8.000 tỷ đồng; Dự án Mikazuki Đà Nẵng; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Dự án Bệnh viện K TW, Dự án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội…
Ở mảng phát triển dự án bất động sản, các dự án của Vinaconex đã được chứng minh về chất lượng, quy mô và tính chuyên nghiệp nên được nhiều người dân quan tâm. Cho đến nay, Công ty có các dự án tiềm năng như Khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina, Chung cư cao cấp 93 Láng Hạ, nhiều dự án đang được nghiên cứu triển khai tại Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh... Vinaconex cũng đã tích lũy được quỹ đất lên tới hàng nghìn ha và có tham vọng đạt tới 5.000 ha trong vòng 3 năm tới. Các dự án của Vinaconex dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong năm nay và liên tục gối đầu, tạo dòng tiền mạnh cho TCT.
Những chuyển động gần đây của Vinaconex cho thấy doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn lực mạnh mẽ thông qua tái cơ cấu hoạt động, thoái vốn tại các mảng hoạt động không cốt lõi, từ đó có năng lực đầu tư đột phá về quy mô dự án đầu tư, làm chủ được khả năng duy trì lợi nhuận ngàn tỷ.
Do kết quả kinh doanh khả quan, dòng tiền mạnh, HĐQT Vinaconex đã ra nghị quyết chi trả cổ tức 2020 bằng tiền mặt cho cổ đông ngay từ đầu năm 2021 (tỷ lệ 12% - đã tạm ứng 6%). Tới cuối quý II, đầu quý III tới, cổ đông tiếp tục được chia thưởng từ cổ phiếu quỹ với tỷ lệ 9%. Theo đó, Vinaconex sẽ dùng 36.216.961 cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu. Nếu tính trên thị giá cổ phiếu VCG hiện nay, đây là khoản tiền không nhỏ, gấp gần 5 lần so với tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt tương đương.
Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm, cổ đông của Vinaconex đã được hưởng trái ngọt rất lớn từ việc nắm giữ và sở hữu cổ phiếu VCG.