Kinh doanh đa cấp: Minh bạch, nghiêm khắc nhưng cần thuận lợi cho doanh nghiệp
Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sẽ được sửa đổi bổ sung tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bài bản và chuyên nghiệp.
Theo ý kiến của Bộ Công thương, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP là nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, nâng cao tính minh bạch, đồng thời tránh tạo ra các rào cản không cần thiết và hạn chế các tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Khai tử doanh nghiệp làm ăn chụp giật
Sau khi Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về “Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp” ra đời, số DN buộc phải chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do có hiện tượng làm ăn chụp giật, không minh bạch, không đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện của các cơ quan quản lý đề ra đã giảm mạnh, số lượng DN được cấp phép kinh doanh đa cấp giảm từ 67 DN vào thời điểm cuối năm 2015, xuống còn 22 DN vào cuối năm 2020.
Những qui định chặt chẽ đối với việc gia nhập và phát triển trên thị trường kinh doanh đa cấp tại Việt Nam như bắt buộc phải được Bộ Công thương cấp phép, phải có trang Website trên đó đăng đầy đủ các thông tin về sản phẩm, về giá cả hay địa chỉ doanh nghiệp, phải đóng ký quỹ từ 10 tỷ đồng trở lên hay công khai về các chương trình đào tạo và không được bắt buộc người tham gia phải nộp tiền cọc… mặc dù làm tăng chi phí tuân thủ (compliance cost) của những DN bán hàng đa cấp chân chính, nhưng cũng tạo một sân chơi bình đẳng, đúng nghĩa cho họ phát triển.
Theo thống kê, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp trong những năm trở lại đây lại có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới.
Giai đoạn 2015-2020, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp mỗi năm ở mức trung bình khoảng 800.000 người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1,25 triệu người.
Chưa dừng tại đó, mức đóng góp thuế vào ngân sách Nhà nước của các DN bán hàng đa cấp có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2015-2020, với tốc độ gia tăng bình quân 29%.
Ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Thực tiễn công tác quản lý phương thức kinh doanh bán hàng đa cấp trong những năm qua cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng, sàng lọc những doanh nghiệp bất chính, từ đó tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh để các doanh nghiệp chân chính đưa sản phẩm tới gần với người tiêu dùng hơn.
Chặt chẽ nhưng cần thuận lợi cho doanh nghiệp
Những vấn đề mà đa phần các Doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp lần này muốn được bổ sung, sửa đổi bao gồm 06 nhóm vấn đề lớn như: Quy định về bảo trợ quốc tế; mức Hoa hồng cá nhân tối thiểu 20%; Điều kiện mới áp dụng cho người đại diện tại địa phương; Quy định về hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp; Điều kiện vận hành hệ thống quản lý nhà phân phối và đề xuất áp dụng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử.
Đối với việc bảo trợ quốc tế, ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam cho rằng: Bảo trợ quốc tế là bước phát triển tất yếu của thị trường, là việc nhà phân phối ở một quốc gia giới thiệu, hỗ trợ nhà phân phối ở quốc gia khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp BHĐC. Việc không cho phép công nhận kết quả kinh doanh của mạng lưới tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích và quyền lợi cho họ là làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của của nhà phân phối Việt Nam . “Quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc cốt lõi của hoạt động bán hàng đa cấp đã được Nghị định 40 ghi nhận, đó là người bảo trợ được quyền được hưởng hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác phát sinh từ hoạt động của mình và của hệ thống tuyến dưới của mình”. Ông Sơn khẳng định.
Để giải quyết tình trạng cấu kết, tạo dựng khống mạng lưới nước ngoài để nâng khống danh hiệu và hoa hồng của nhà phân phối tại Việt Nam, ông Sơn đề xuất sửa đổi theo hướng:“doanh số từ hoạt động của tuyến dưới ở thị trường nước ngoài không vượt quá 50% doanh số yêu cầu để đạt được cấp bậc tương ứng tại Việt Nam”. Song song với việc này, Nghị định mới cần bổ sung quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về hoạt động bảo trợ quốc tế đối với cả doanh nghiệp và nhà phân phối.
Đối với hoạt động bảo trợ quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam, hiện nay Dự thảo Nghị định đang quy định theo hướng không cho phép người tham gia tại Việt Nam nhận bảo trợ từ các nhà phân phối ở nước ngoài. Các ý kiến tại tọa đàm thống nhất cho rằng hiện tại Việt Nam đã có đầy đủ công cụ pháp luật, kể cả biện pháp xử lý hành chính, thậm chí chế tài hình sự để xử lý các hoạt động “tiền thị trường”, và vì vậy việc bổ sung quy định cấm như Dự thảo Nghị định là không có nhiều ý nghĩa.
Đối với việc chuyển đổi số, ứng dụng hợp đồng điện tử để nâng cao hiệu quả hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết, các đại biểu cho biết hiện tại, Nghị định 40 chỉ cho phép ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản giấy. Trước những lợi ích to lớn của phương thức giao dịch điện tử, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đề xuất cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng hợp đồng bán hàng đa cấp dưới dạng điện tử. Đặc biệt, khi đại dịch Covid đã và đang thay đổi thói quen giao dịch, từ trực tiếp thành trực tuyến, thì việc nghiên cứu ứng dụng hợp đồng điện tử là một đòi hỏi hết sức cấp thiết.
Về vấn đề này, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng “việc chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn quản lý nhà nước, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là một trong những chủ trương lớn mà Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi”. Với hàng triệu người tham gia, hàng triệu hợp đồng cần phải xử lý và lưu trữ, việc công nhận và ứng dụng hợp đồng điện tử vào ngành bán hàng đa cấp chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước và cho doanh nghiệp.
Đối với quy định trả thưởng của doanh nghiệp phải quy định khoản hoa hồng dành cho việc bán lẻ của nhà phân phối có giá trị tối thiểu 20% tổng hoa hồng trả ra của doanh nghiệp. Bà Đinh Thu Huyền, đại diện cho Herbalife Việt Nam chia sẻ: “Nếu thực hiện quy định này, nhiều khả năng sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, gây khó khăn cho công tác tuân thủ, việc áp dụng tỷ lệ hoa hồng cá nhân 20% đối với hoa hồng dành cho hoạt động bán hàng sẽ làm cho tỷ lệ hoa hồng tiền thưởng vượt mức trần 40% quy định tại Điều 48 Nghị định 40 hiện hành.”
Bà Huyền khẳng định: doanh nghiệp có thể linh hoạt áp dụng thông qua các chương trình khuyến mại; đồng thời, nâng mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế cho nhà phân phối từ 40% lên 48% để cơ quan thuế có cơ sở công nhận các khoản chi trả dành cho mục đích thúc đẩy bán lẻ hoặc buộc doanh nghiệp phải đảm bảo tỷ lệ doanh số tối thiểu bán cho khách hàng tiêu dùng - là người mua sản phẩm không nhằm mục đích hưởng hoa hồng từ tuyến dưới.
Đối với quy định người đại diện tại địa phương, hiện nay, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đòi hỏi doanh nghiệp BHĐC phải cử một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện, và cá nhân đó phải được cấp xác nhận kiến thức về bán hàng đa cấp.
Về vấn đề này, đa phần các ý kiến đều cho rằng việc xác nhận kiến thức về pháp luật không nên được coi là “điều kiện đầu vào” đối với người đại diện tại địa phương; cơ quan soạn thảo nên cân nhắc phương án thực hiện đào tạo và kiểm tra kiến thức trực tuyến để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Về quy định tổ chức hội nghị, hội thảo Nghị định 40 chỉ cho phép doanh nghiệp BHĐC được tổ chức các hội nghị, hội thảo về bán hàng đa cấp. Nhà phân phối muốn tổ chức phải được doanh nghiệp ủy quyền và doanh nghiệp phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hoạt động của nhà phân phối. Quy định này đã đặt doanh nghiệp vào vị trí rất rủi ro, thậm chí có thể bị rút giấy phép hoạt động.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của nhà phân phối, đồng thời giải quyết những bất cập hiện tại, các doanh nghiệp đề xuất cho phép nhà phân phối được tự tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC và tự chịu trách nhiệm về việc tổ chức, đồng thời, nhấn mạnh, doanh nghiệp luôn có trách nhiệm trong việc giám sát và đảm bảo tuân thủ của nhà phân phối như được quy định tại Khoản 5 Điều 40. Việc tách bạch vai trò của doanh nghiệp và nhà phân phối trong tổ chức hội nghị, hội thảo do nhà phân phối tổ chức cũng giúp phá vỡ “sự hợp tác” bất đắc dĩ giữa hai đối tượng này. Doanh nghiệp, vì vậy, cũng sẽ chủ động, quyết liệt hơn khi thực hiện vai trò giám sát và xử lý vi phạm đối với nhà phân phối của mình, qua đó tạo điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh.
Về vấn đề yêu cầu cập nhật thông tin, các doanh nghiệp đồng tình với quy định một khoảng thời gian nhất định để cập nhật thông tin về nhà phân phối, giao dịch và thông tin có liên quan trên hệ thống. Tuy nhiên, với mục đích đảm bảo tính minh bạch và chính xác của thông tin cập nhật thì không nhất thiết phải cung cấp “ngay khi phát sinh giao dịch” hoặc “trong vòng 01 ngày kể từ khi kết thúc kỳ tính thưởng” như Dự thảo Nghị định.
Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là các công ty đa quốc gia, đã có hệ thống quản lý nhà phân phối toàn cầu đặt ở quốc gia khác; hệ thống quản lý nhà phân phối trên máy chủ đặt tại Việt Nam chỉ có chức năng lưu trữ và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Nghị định 40. Vì vậy, thời gian đồng bộ dữ liệu cần một khoảng thời gian hợp lý để đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật và phù hợp với hoạt động của từng doanh nghiệp. Cần thiết phải điều chỉnh quy định về thời gian cập nhật thông tin để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, qua đó giảm bớt chi phí đầu tư và vận hành, trong khi vẫn đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý.