Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp F&B trong mùa dịch tại Đà Nẵng

D. Oanh 22/11/2021 14:08

Đại dịch Covid đã dẫn tới những khó khăn chưa từng có tiền lệ với Việt Nam nói chung và những thành phố du lịch như Đà Nẵng nói riêng.

Tuy nhiên, có câu “Trong nguy có cơ”, ngành kinh doanh ăn uống tại Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng bứt phá so với thời kỳ trước dịch nếu cộng đồng doanh chủ biết chớp lấy cơ hội mang tên Chuyển đổi số.

Thị trường kinh doanh ẩm thực đang trên đà hồi phục

Năm 2021 là một năm biến động với thị trường F&B trên toàn quốc nói chung, và Đà Nẵng nói riêng. May mắn không chịu ảnh hưởng quá nhiều từ đợt bùng phát dịch lần thứ 3. Tuy vậy, ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch lần thứ 4 khiến các nhà hàng, quán café gặp nhiều khó khăn.

Ngày 3/5, thành phố Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng đầu tiên. Sau khoảng thời gian ngắn thành phố mở lại một số hoạt động, UBND thành phố Đà Nẵng lại tiếp tục ban hành chỉ thị số 05/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội 18 giờ ngày 31/7. May mắn thay, do chịu ảnh hưởng ít hơn so với 2 thành phố lớn khác là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, số lượng hàng quán rời thị trường ghi nhận là khá thấp,  mang đến sự lạc quan cho các chủ đầu tư.

Sau khi trở lại với giai đoạn bình thường mới, với đặc tính tiêu dùng cao, cùng việc đóng cửa trong thời gian dài khiến ngành ẩm thực đón nhận sức mua rất lớn do bị dồn nén trong giai đoạn giãn cách. Tuy nhiên, việc chỉ được phép đón tối đa 50% lượng khách hàng ngồi tại chỗ, và quy định bắt buộc người ăn phải tiêm 2 mũi Covid vẫn là điều cản trở lớn cho các doanh nghiệp F&B.

Theo số liệu mới nhất từ iPOS.vn – đơn vị cung cấp giải pháp quản lý công nghệ nhà hàng/cafe dựa trên thông tin thu thập từ nhiều nguồn, nếu tính từ tháng 06 – tháng gần nhất không chịu tác động lớn từ dịch bệnh làm tiêu chuẩn, số lượng hàng quán mở mới trong tháng 10 đã đạt tới 91.9% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh. Đây chính là những dấu hiệu tích cực, chứng tỏ sự trỗi dậy của ngành F&B Đà Nẵng, với niềm tin rằng mọi thứ sớm khôi phục trở lại và nhiều hàng quán mở mới để chớp thời cơ, đón đầu mùa du lịch cuối năm.

Quyết tâm Chuyển đổi số

Với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu trên cả nước, lấy chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chia sẻ, chuyển đổi số là động lực để giải quyết “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố, góp phần đạt mục tiêu hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN đến năm 2030.

Trước khi dịch Covid bùng phát, tình hình chuyển đổi số trong ngành F&B tại Đà Nẵng có tốc độ chậm hơn các địa phương, do vẫn “sống khỏe” nhờ du lịch. Theo đó, tính đến hết năm 2019, du lịch và dịch vụ là một trong những ngành trụ cột trong nền kinh tế địa phương, khi khu vực dịch vụ chiếm tới 64,35% tỷ trọng. Tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 7,1 triệu lượt, trong đó tính riêng khách quốc tế 2,1 triệu lượt, là năm có lượng khách nước ngoài đông nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, lợi thế du lịch bị giảm đột ngột, khiến không chỉ du lịch mà ngành ẩm thực cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Các hàng quán không kịp chuyển đổi mô hình kinh doanh, đặc biệt trong thời điểm giãn cách xã hội. Năm 2020, số lượt khách du lịch chỉ vỏn vẹn hơn 2,7 triệu lượt, giảm tới 63,2% so với cùng kỳ.

Vậy mà “Trong nguy có cơ”, nhiều đơn vị kinh doanh F&B do bị bó buộc trong nhiều quy định ngặt nghèo nên buộc phải học cách áp dụng công nghệ để tồn tại. Các hàng quán dần quen với các thao tác đặt, gọi món thông qua màn hình cảm ứng, đa dạng hóa các hình thức tiếp thị, và nhận thêm nhiều đơn hàng từ trực tuyến. Cán cân doanh thu cho khách du lịch và khách nội địa cũng được đặt cân bằng, khi các hàng quán chú trọng việc chăm sóc và phát triển các mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Khách du lịch càng ngày càng khó tính và thông minh hơn, sử dụng các ứng dụng công nghệ để khám phá ẩm thực nhanh chóng và an toàn. Việc lan tỏa giá trị qua công nghệ cũng là đường hướng lâu dài mà các hàng quán đang triển khai.

Bắt đầu từ những thứ đơn giản nhất

Cho tới thời điểm hiện tại, chuyển đổi số chính là áp lực bắt buộc dành cho tất cả các nhà quản lý ngành ẩm thực, với tâm thế: Thị trường sẽ có sự thay đổi và chúng ta cũng buộc phải thay đổi. Trước mắt, việc chuyển đổi số sẽ nhằm thích ứng với những yêu cầu của chính phủ, với các chính sách như hạn chế tiếp xúc, bán mang về,v.v… Số hóa dữ liệu thực đơn, và đăng tải trên các gian hàng trực tuyến, chính là những viên gạch đầu tiên trong công cuộc chuyển đổi số.

Tại Đà Nẵng, các ứng dụng giao đồ ăn đã và đang bùng nổ, trở thành xu hướng lựa chọn của thực khách, đặc biệt là thế hệ trẻ. ShopeeFood (Tiền thân là DeliveryNow), GrabFood hay Baemin là những “tay chơi”sừng sỏ, giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Đà Nẵng nhờ sự hẫu thuẫn mạnh mẽ về mặt truyền thông và tài chính,, .  Người được hưởng lợi chính là thực khách và các hàng quán. Các hàng quán cần lưu ý khi chăm chút về mặt nội dung, hình ảnh, và tham gia các sự kiện khuyến mãi trên các ứng dụng giao đồ ăn, vì đây là các điểm chạm quan trọng nhất đối với các khách hàng tiềm năng.

“Vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp rời thị trường, chứng tỏ họ đã sẵn sàng cho một cuộc chơi lớn. Nhiều chủ quán đã ứng dụng công nghệ và vận hành và tiếp thị, giúp tăng trưởng kép khi vừa tiết kiệm chi phí, đồng thời tăng trưởng doanh thu từ nhiều nguồn” – Ông Nguyễn Hữu Trúc – GĐ khu vực miền trung iPOS.vn chia sẻ. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành F&B, ông cũng nhận định thị trường ẩm thực đang nhận được “làn sóng” trở lại lớn nhất kể từ khi mở cửa, không chỉ riêng tại thị trường Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hữu Trúc – GĐ khu vực miền trung iPOS.vn

Ông Nguyễn Hữu Trúc – GĐ khu vực miền trung iPOS.vn

Đây  chính là thời điểm vàng cho Chuyển đổi số, khi Đà Nẵng vừa được phê duyệt thí điểm đón khách du lịch trở lại. Với các bước đi thận trọng từ lãnh đạo thành phố, dự kiến ngành Ẩm thực sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, cũng như đóng góp cho ngành dịch vụ du lịch “hồi sinh”, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Âm lịch vào đầu năm 2022!

D. Oanh