Ngành Đồ uống Việt Nam nỗ lực phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới

ĐAN THANH 11/05/2022 11:23

Nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng lại chưa có cơ chế riêng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng. 

 Hội thảo “Ngành Đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới”.

Hội thảo “Ngành Đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới”.

Sáng 6/5/2022, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ngành Đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới”. Hội thảo với mục đích mang đến một cái nhìn tổng quan về những khó khăn, thiệt hại của ngành Đồ uống Việt Nam, bao gồm bia, rượu và nước giải khát trong thời gian đại dịch Covid-19 gây ra và chia sẻ, thảo luận về định hướng, kế hoạch phục hồi và phát triển ngành trong tình hình mới.

Doanh nghiệp lao đao

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, mức tăng trưởng hàng năm của ngành nước giải khát tăng đều ở mức 6-7%. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sự phát triển của ngành này gặp nhiều khó khăn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê về kết quả sản xuất, kinh doanh và lao động của ngành này cho thấy năm 2020, doanh thu toàn ngành nước giải khát giảm mạnh tới 17%, lợi nhuận giảm 94,96%, số lượng lao động giảm 4% và thu nhập trung bình của lao động trong ngành cũng giảm 7% so với năm 2019.

Theo số liệu gần đây nhất, doanh thu thuần năm 2021 của ngành nước giải khát giảm 4,8% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận thuần của ngành này năm 2021 giảm tới 31,4% so với năm 2020. Mặc dù năm 2022 có khả năng mang lại sự phục hồi cho ngành nước giải khát với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và ăn uống, tuy nhiên lợi nhuận gộp của ngành chắc chắn sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đầu vào đều đang ở mức cao lịch sử, trong đó có xăng dầu, đường, nhôm và nhựa...

Cần hỗ trợ kịp thời

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có những tác động tích cực nhất định. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Có nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thông qua giảm một số loại phí như Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020, nhưng lại không có cơ chế riêng nào áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng.

Theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải Khát, việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế đối với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch là rất quan trọng trong thời hạn ít nhất là 05 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp nước giải khát đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống có cồn không còn phù hợp

    11:20, 08/04/2022

  • "Cần phương pháp thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với ngành đồ uống có cồn"

    10:22, 08/04/2022

ĐAN THANH