Với “Sóng và máy tính cho em”, đã không học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”
Hàng ngàn học sinh, sinh viên đã được tiếp sức và không bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiếp cận tri thức giữa đại dịch COVID-19.
Đó là kết quả của chương trình “Sóng và máy tính cho em”, một sự chung tay vì cộng đồng của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Trường TH&THCS Lộc Thạnh, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có 601 học sinh. Theo khảo sát đầu năm học 2021-2022, toàn trường có đến 20% học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến. Cùng hoàn cảnh, trường Tiểu học Đỗ Xuyên, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) có 630 học sinh, 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mặc dù đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 song cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Câu chuyện ở Trường TH&THCS Lộc Thạnh hay trường Tiểu học Đỗ Xuyên cũng là tình hình chung của nhiều trường học ở các tỉnh/thành phố trên cả nước trong suốt 2 năm học 2019- 2020, 2020-2021, do ảnh hưởng của COVID-19. Trong giai đoạn này, hoạt động tổ chức dạy học thực sự gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến. Tại thời điểm tháng 9/2021, trước thềm khai giảng năm học mới, theo tổng hợp của Bộ GDĐT, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến, với số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Trong khi đó, số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Trước tình hình đó, tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” và Chương trình đã nhận được sự chung tay của các doanh nghiệp Việt Nam. Tại lễ phát động Chương trình, Tập đoàn VNPT cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho Chương trình và sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục để góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”.
Ngay đầu tháng 11/2021, Tập đoàn VNPT đã là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện cam kết. 8.343/37.000 máy tính bảng, những chiếc máy tính bảng đầu tiên của chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã được VNPT trao tận tay cho các học sinh có hoàn thành khó khăn tại tỉnh Đồng Nai và Long An. Tiếp đó, số máy tính bảng còn lại đã được VNPT khẩn trương trao lần lượt đến tay các em học sinh ở các tỉnh gặp khó khăn. Song song đó, để tạo thuận lợi hơn trong việc học online, Tập đoàn VNPT cũng đã tặng kèm theo mỗi máy tính bảng một SIM VinaPhone miễn phí Data 4GB/ngày trong 3 tháng sử dụng.
Những ngày đầu học trực tuyến, không có tiền mua thiết bị nên em Nguyễn Văn Nhã, lớp 5A1, Trường TH&THCS Lộc Thạnh (Bình Phước) phải nhờ điện thoại cũ của dì nhưng mạng lúc được, lúc không, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Khi được nhận máy tính bảng của VNPT từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, em Nhã không khỏi nghẹn ngào hứa với thầy cô và bố mẹ là sẽ sử dụng máy tính bảng để học thật giỏi. Với gia đình em Nguyễn Đình Hiếu, lớp 8A5 Trường THCS Lộc Tấn, ấp Thạnh Đông - ấp vùng sâu, biên giới của xã Lộc Tấn (Bình Phước), mọi chi tiêu sinh hoạt cả chỉ trông vào tiền lương ít ỏi ba làm công nhân cạo mủ cao su. Dịch COVID-19 kéo dài khiến gia đình Hiếu thiếu thốn triền miên. Năm học mới, em không có thiết bị học trực tuyến nên khi được tặng điện thoại thông minh và SIM 4G, Hiếu đã theo kịp chương trình học và giúp gia đình giải tỏa được gánh nặng trang thiết bị học tập.
Đến xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, những lớp học của thầy và trò dạy, học qua “bảng đen, phấn trắng” mới cảm nhận ý nghĩa thiết thực của chương trình. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuyển, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Mường Lựm, chia sẻ: Trường có 728 học sinh, 48 cán bộ, giáo viên. Học sinh trong trường chủ yếu có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có gần 10% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến. Trên tay chiếc máy tính bảng vừa được trao tặng, em Lừ Thị Thanh Nga, lớp 9A1 (Trường THCS Chiềng Hặc (Yên Châu- Sơn La) xúc động chia sẻ, nhà em nghèo nên chưa có điều kiện mua máy tính hay điện thoại thông minh học tập. Em rất vui khi được VNPT tặng máy tính bảng và giờ đây dễ dàng học trực tuyến như các bạn.
Không chỉ đồng hành cùng Chính phủ rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, tiếp sức cho hàng ngàn học sinh, sinh viên gặp khó khăn vượt qua đại dịch, đảm bảo việc học tập, trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, VNPT cũng đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, con người, xây dựng và hoàn thiện Hệ sinh thái giáo dục vnEdu 4.0 để những chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh, phòng máy tính trở thành công cụ đắc lực nhất trong suốt quá trình học tập.
Đến nay, hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 sở hữu hơn 20 sản phẩm, dịch vụ theo 4 nhóm: quản lý số; học tập số, nghiên cứu số; tích hợp số đã bao phủ toàn bộ các quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục và được triển khai trên 63 tỉnh/thành phố với hơn 32.000 cơ sở giáo dục, hơn 800.000 hồ sơ giáo viên, hơn 8 triệu hồ sơ học sinh/sinh viên. Nhiều giải pháp, ứng dụng trong hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 của VNPT đã và đang phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học trực tuyến của ngành GD&ĐT như VNPT E-Learning, VnEdu, giải pháp Học và thi trực tuyến... Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, VNEdu với nền tảng ứng dụng dạy và học trực tuyến VNPT E-learning đã được triển khai miễn phí cho các trường học và hàng triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước, đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.
37.000 máy tính bảng được trao tặng theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” là sự chung tay đóng góp của 37.000 CBCNV Tập đoàn VNPT. Với VNPT, "Sóng và máy tính cho em” là hành trình nhân ái mang lại quyền bình đẳng về học tập, tiếp cận tri thức. Ngoài việc hỗ trợ cho hàng triệu gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm áp lực chi phí trang trải thiết bị học tập công nghệ, thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em”, VNPT cũng đã thực hiện được mục tiêu phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng, góp phần phát triển xã hội số, công dân số.