Đồ Sơn về “miền di sản”: Đã nhìn vào bản chất thực của Đồ Sơn

Lê Linh 03/05/2019 12:47

Đồ Sơn dường như mất hẳn tên trên bản đồ du lịch biển. Thế mạnh của Đồ Sơn không chỉ là biển, quá nhiều năm “Biển gọi” không như mong đợi, năm nay Đồ Sơn đi vào bản chất thực là “Miền di sản”.

Cứ đến kỷ niệm 30/4 và 1/5 nhân dân cả nước lại quen thuộc với khái niệm “mở cửa” Đồ Sơn. Hoạt động này gắn liền với kỷ niệm giải phóng Hải Phòng, lễ hội Hoa Phượng đỏ.

Rất nhiều năm qua, Đồ Sơn luôn gắn với tên gọi “Biển gọi” thể hiện về lòng mến khách và mong muốn du khách về với Đồ Sơn. Nhưng thực tế nếu là du lịch biển, Đồ Sơn không có cửa so với Sầm Sơn, Hạ Long, Vũng Tàu..v..v.. Họ làm du lịch đồng bộ. Còn Đồ Sơn đã ngủ quên quá lâu từ thời hoàng kim những năm 90. Có lẽ, du lịch biển Đồ Sơn chỉ còn là “miền ký ức”.

Theo thống kê trong dịp lễ vừa qua có hơn 30.000 khách về Đồ Sơn, trong khí đó Vũng Tàu là 68.600; Sầm Sơn là 600.000, Hạ Long – Quảng Ninh là 175.000 lượt du khách ghé thăm. Tuy nhiên, tổng lượt khách tháng 4/2019 do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt 651,1 nghìn lượt, tăng 10,48% so với tháng trước và tăng 6,86% so với cùng tháng năm 2018; Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ ước đạt hơn 2 triệu 280 nghìn lượt, tăng 7,78% so với cùng kỳ năm trước trong đó khách quốc tế đạt 271,4 nghìn lượt, tăng 11,71% so với cùng kỳ năm trước.

Lượt khách đổ về với Hải Phòng tăng nhưng họ không phải là về Đồ Sơn mà về Cát Bà và các điểm du lịch khác. Sự sụt giảm của Đồ Sơn một phần vì đợt nghỉ lễ kéo dài, người dân có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình điểm đến du lịch. Ngoài ra trong ngày “mở cửa” thì Đồ Sơn đã đón chào một cơn mưa rất lớn khiến thời tiết se lạnh, điều đó cũng hạn chế phần nào du khách về với Đồ Sơn.

Lượt khách đổ về Đồ Sơn vẫn đông nhưng không bằng các năm trước.

Lượt khách đổ về Đồ Sơn vẫn đông nhưng không bằng các năm trước.

Chính điều này đã tạo ra một “làn sóng” trên mạng xã hội giữa một bên gọi Đồ Sơn “đìu hiu” không có khách và một bên thì cho rằng “chỉ là ít hơn” so với mọi năm và là do yếu tố khách quan. Nhưng từ những tranh luận đó chúng ta đều nhận ra ai cũng luyến tiếc một thời vang bóng của Đồ Sơn, ai cũng chỉ ra những tồn tại mà Đồ Sơn đang mắc phải.

Để Đồ Sơn có thể quay trở lại thời vàng son của mình thì lại là một bài toán khó không thể giải trong thời gian ngắn được. Mặc dù, sự nỗ lực của lãnh đạo Đồ Sơn năm nay có cố gắng cải thiện tạo ra một công viên trên mặt biển và một con đường mòn xuống với biển. Nhưng điều đó cũng không thu hút được nhiều du khách đến với Đồ Sơn.

Vấn đề là, ai cũng muốn Đồ Sơn đông khách, nhưng làm thế nào để Đồ Sơn đông khách, hay nói cách khác là làm thế nào để kéo nhiều khách hơn đến với Đồ Sơn. Câu hỏi này, bài toán này, thách thức này, cũng như vậy, không ai làm được tốt hơn là lãnh đạo Đồ Sơn. 

Đồ Sơn lung linh về đêm nhưng vẫn không thu hút được du khách.

Đồ Sơn lung linh về đêm nhưng vẫn không thu hút được du khách.

Với người du lịch thì ngoài việc đến biển để đắm chìm trong không gian biển xanh, nắng vàng và cát trắng họ còn có nhu cầu giải trí. Mà điều này thì Đồ Sơn thiếu hẳn, thậm chí còn là yếu kém. Nếu Đồ Sơn cứ cố “gồng” lên để chạy đua với các khu du lịch khách thì là một sự “khập khiễng”. Đồ Sơn phải nhìn lại thế mạnh của mình là gì. Đó chính là “miền di sản” không nơi du lịch biển nào có được.

Slogan của Đồ Sơn đã thay đổi đúng với bản chất vốn có của Đồ Sơn.

Slogan của Đồ Sơn đã thay đổi đúng với bản chất vốn có của Đồ Sơn.

Thiên nhiên và lịch sử đã ưu đãi ban tặng cho Đồ Sơn rất nhiều “di sản”: có biển có núi, có rừng, có đèn hoa đăng trên đảo Dấu mộng mơ, có khu tâm linh nổi tiếng chùa Hang – nơi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đầu tiên, có đền bà Đế gắn với tích chúa Trịnh, Đền Mẫu, kỳ quan tháp Tường Long, có biệt thự Bảo Đại, có danh tích nổi tiếng của cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc: Nơi xuất phát huyền thoại con tàu không số trên biển ...

Có thể bạn quan tâm

  • Đồ Sơn: Từ

    Đồ Sơn: Từ "Biển gọi" về "Miền di sản"

    06:00, 20/04/2019

  • Cụm công nghiệp Đồ Sơn bao giờ mới có?

    Cụm công nghiệp Đồ Sơn bao giờ mới có?

    00:00, 28/02/2019

  • Về Đồ Sơn dự lễ hội Đảo Dấu

    Về Đồ Sơn dự lễ hội Đảo Dấu

    04:00, 28/01/2019

Làm một phép toán so sánh giữa Đồ Sơn và Sầm Sơn thì du khách luôn quan niệm đó là 2 nơi du lịch về biển. Đến với hai địa danh trên là đến với biển, để tắm biển, cùng trải nghiệm các vui chơi liên quan đến biển và giải trí. Nhưng đến giờ phút này thì Đồ Sơn mãi mãi không thể “ngang hàng” với Sầm Sơn được nữa. Để “cạnh tranh” được thì Đồ Sơn phải nhìn vào thực chất Đồ Sơn có gì mà nơi khác không có được. Đó là “miền di sản”.

Đồ Sơn thay đổi có

Đồ Sơn thay đổi có "công viên" trên biển nhưng vẫn không "có cửa" so với Sầm Sơn

Vậy tại sao, du khách vẫn chưa cảm nhận rõ rệt được sự khác biệt này của Đồ Sơn. Cứ đến hẹn lại lên là có hàng loạt các bài báo so sánh giữa Đồ Sơn và Sầm Sơn. Bởi vì ngành du lịch của Hải Phòng đã “làm chưa đến nơi”, công tác quảng bá chưa quyết liệt và nhấn mạnh. Để làm được du lịch thì quan trọng nhất vẫn là con người làm du lịch. Tuy nhiên, lần nào du khách đến Đồ Sơn cũng không hài lòng về thái độ phục vụ của các dịch vụ bãi biển và nhà hàng.

Hy vọng với sự thay đổi quyết liệt này của các cấp lãnh đạo Đồ Sơn trong tương lai sẽ có diện mạo mới.

Hy vọng với sự thay đổi quyết liệt này của các cấp lãnh đạo Đồ Sơn trong tương lai sẽ có diện mạo mới.

Slogan “Biển gọi” đã thực sự không gọi được du khách về với Đồ Sơn như kỳ vọng. Đồ Sơn đã thay tên gọi đúng với đặc sản của mình là “Miền di sản”, tuy nhiên nếu chỉ là “trống dong” mà “cờ không mở” thì Đồ Sơn sẽ khó có thể bứt phá tạo nên một làn sóng. Đây là một “thế cờ” mà đòi hỏi lãnh đạo thành phố, ngành du lịch và quận Đồ Sơn cần phải đưa ra các giải pháp cụ thể để đưa Đồ Sơn trở về thời hoàng kim vốn có của mình.

Lê Linh