20-21/10: Diễn đàn quốc tế FRANCONOMICS IV - 2022: “Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ”

P.V 22/09/2022 04:04

Franconomics-2022 hướng đến làm rõ khái niệm nền kinh tế tuần hoàn, các công nghệ cơ bản và các yếu tố thành công cốt lõi để triển khai nền kinh tế tuần hoàn.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Franconomics, năm nay, Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐHQGHN (IFI) phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), trong đó có sự tham gia đồng tổ chức của Viện Pháp tại Hà Nội (IFV), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ” diễn ra trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2022 trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với các điểm cầu khắp thế giới.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, các biến động chính trị tiềm ẩn dẫn đến khủng hoảng năng lượng, sự nóng lên do hiệu ứng nhà kính,…kinh tế tuần hoàn là một mô hình phát triển giúp chuyển đổi kinh tế xã hội sang trạng thái sản xuất tiêu dùng bền vững. Không giống với nền kinh tế truyền thống, kinh tế tuần hoàn là một hệ thống ngay từ bước thiết kế vật liệu, sản phẩm, quy trình hoạt động và mô hình kinh doanh đã hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng hóa chất và chất thải độc hại. Kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Quan điểm kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Franconomics-2022 hướng đến làm rõ khái niệm nền kinh tế tuần hoàn, các công nghệ cơ bản và các yếu tố thành công cốt lõi để triển khai nền kinh tế tuần hoàn; đồng thời phân tích các cơ hội hợp tác quốc tế để phát triển nền kinh tế tuần hoàn đề xuất các hình thức lan tỏa các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với các nền kinh tế đa dạng trong khối Pháp ngữ.

Những sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Franconomics-2022 gồm:

  1. i) Diễn đàn quốc tế "Kinh tế tuần hoàn và những cơ hội hợp tác trong không gian Pháp ngữ" 
  • Thời gian: 14h00 – 20h00 | Thứ Năm, ngày 20/10/2022
  • Địa điểm: Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội 
  • Hình thức: kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Blended)
  • Ngôn ngữ: Pháp, Anh, Việt 

Chương trình dự kiến:

Thời gian

Nội dung

13h30-13h50

 Đón tiếp đại biểu – khách mời

13h50–14h20

    Khai mạc Franconomics 2022 – Phát biểu chào mừng

14h20–15h20

Phiên toàn thể

15h20-15h30

Nghỉ giải lao

13h30-17h30

Không gian thảo luận chuyên đề

  • Không gian 1: Kinh tế tuần hoàn – Chìa khóa để phát triển bền vững
  • Không gian 2: Công nghệ mới phục vụ kinh tế tuần hoàn
  • Không gian 3: Mối liên hệ giữa kinh tế tuần hoàn, cấu trúc chuỗi giá trị và hợp tác Nam-Nam/ba bên

17h30-18h00

Kết luận

18h00-20h00

Tiệc chiêu đãi

 ii) Tham quan thực địa Mô hình TH True Milk – Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

  • Thời gian: 09h00 – 12h00 | Thứ Sáu, ngày 21/10/2022
  • Địa điểm: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội

Chương trình dự kiến:

Thời gian

Nội dung

09h00-11h00

Tham quan thực địa Mô hình TH True Milk – Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

11h00–12h00

   Ăn trưa

 iii) Hội thảo quốc tế “Biến đổi khí hậu và An ninh lương thực tại các quốc gia đang phát triển”

  • Thời gian: 14h00 – 17h30 | Thứ Sáu, ngày 21/10/2022
  • Địa điểm: Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội 
  • Hình thức: kết hợp trực tiếp và trực tuyến (Blended)
  • Ngôn ngữ: Pháp, Anh, Việt

Chương trình dự kiến:

Thời gian

Nội dung

14h00-14h30

Đón tiếp khách mời, đại biểu – Khai mạc

14h30–15h50

Phiên 1: Biến đổi khí hậu

15h50–16h05

   Nghỉ giải lao

16h05–17h25

Phiên 2: An ninh lương thực

17h25-17h30

Kết luận – Bế mạc

Đăng ký tham gia: tại đây.

Franconomics là diễn đàn quốc tế thường niên do IFI khởi xướng, được ĐHQGHN bảo trợ và tổ chức với sự tham gia của các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (gồm 88 nước thành viên và quan sát viên) và nhiều đối tác trong và ngoài nước khác. Đây là không gian đối thoại quốc tế đa ngành về lý luận và thực tiễn với các chủ đề mang tính thời sự kinh tế – xã hội; là nơi giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các đơn vị trong nước và quốc tế, và là cơ hội kết nối giữa các Trường Đại học, Doanh nghiệp, Địa phương; giữa các nhà khoa học, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài Cộng đồng Pháp ngữ.

P.V