Vietcombank khẳng định vị thế dẫn đầu
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được biết đến là thương hiệu ngân hàng có uy tín, vị thế số 1 tại Việt Nam, có ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực.
Từ ngân hàng đối ngoại duy nhất …
Đã từ lâu, hình ảnh, thương hiệu, tên gọi Vietcombank đã ăn sâu trong tâm trí của hàng triệu người dân, khách hàng, đối tác, bạn hàng trong và ngoài nước. Trải qua 56 năm hình thành và phát triển (01/04/1963 – 01/04/2019), Vietcombank đã không ngừng lớn mạnh, vươn mình phát triển, sẵn sàng cùng hệ thống ngân hàng (NH) hội nhập với kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế.
Nhìn lại những năm 60 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có quan hệ với 141 NH ở 34 quốc gia. Trong quan hệ đó, nếu nhập cả 2 chức năng quản lý và kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh ngoại tệ vào một đầu mối thì không còn thuận tiện cho việc giải quyết những quan hệ đã ngày càng đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy, ngày 30/10/1962, Hội đồng Chính phủ đã có Nghị định 115/CP thành lập Ngân hàng Ngoại thương nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gọi tắt là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam để tăng cường quản lý tiền tệ và tín dụng, mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và văn hóa với nước ngoài.
Những ngày mới thành lập, Vietcombank là NH đối ngoại duy nhất của Việt Nam, thực hiện thanh toán quốc tế, thanh toán vay nợ và viện trợ nhà nước, quản lý và điều hành ngoại hối… Thời điểm đó, Vietcombank cũng là nơi để trung chuyển, xử lý và chi viện nguồn ngoại tệ cho chiến trường miền Nam mua vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men…
Hiệp định Paris được ký kết, Vietcombank đóng thêm vai trò mới là NH đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau ngày giải phóng, các quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước lần lượt được mở rộng. Các hoạt động ngoại hối, tín dụng và thanh toán quốc tế của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, đưa vai trò của Vietcombank lên một tầm cao mới. Lúc này, Vietcombank là NH duy nhất nắm giữ độc quyền trên cả 3 phương diện: độc quyền ngoại tệ; độc quyền cung ứng tín dụng XNK, độc quyền giao dịch thanh toán quốc tế. Các chức năng, nhiệm vụ này theo Vietcombank trong suốt giai đoạn 1975-1988.
... đến ngân hàng số 1 của Việt Nam
Năm 1990, Vietcombank chính thức chuyển từ NH chuyên doanh trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại thành ngân hàng thương mại hoạt động đa năng. Năm 2007 Vietcombank trở thành NH đầu tiên được Chính phủ lựa chọn để thực hiện thí điểm cổ phần hóa với việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Đây là sự kiện IPO lớn nhất và đã mang lại cho ngân sách Nhà nước nguồn thu từ thặng dư IPO lên tới gần 10 nghìn tỷ đồng – một con số kỷ lục tại thời điểm đó.
Chính thức chuyển sang hoạt động theo cơ chế Ngân hàng TMCP từ giữa năm 2008 đúng vào lúc xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu với những tác động bất lợi đối với kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh ấy Vietcombank đã linh hoạt, chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, nhờ đó an toàn và hiệu quả hoạt động được đảm bảo và từng bước phát triển bền vững.
Đặc biệt, giai đoạn 2013 - 2018 ghi nhận dấu ấn chuyển mình, bứt phá ngoạn mục của Vietcombank. Mở đầu với việc công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới vào năm 2013. Giai đoạn 2013 - 2017, quy mô tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng của Vietcombank đã có sự tăng trưởng bứt phá, quy mô tổng tài sản tăng 2,5 lần, huy động vốn tăng 2,9 lần, sử dụng vốn tăng 2,3 lần. Đặc biệt, tổng tài sản tăng trưởng mạnh mẽ và đã vượt qua mốc 1 triệu tỷ đồng, về đích trước 2 năm so với đề án phát triển. Vietcombank cũng là NH đầu tiên có lợi nhuận vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Vietcombank ra mắt 2 tính năng mới trên ứng dụng VCB-Mobile Banking
15:33, 13/03/2019
Tập đoàn Mizuho cam kết duy trì đầu tư vốn cổ phần tại Vietcombank
13:39, 04/03/2019
Vietcombank là ngân hàng duy nhất cung cấp dịch vụ tiền tệ tại Trung tâm báo chí Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
19:06, 27/02/2019
Vietcombank được nâng vốn điều lệ lên 37.088 tỷ đồng
07:00, 27/02/2019
Tổng tài sản của Vietcombank tiếp tục tăng trưởng và duy trì ở mức trên 1 triệu tỷ đồng, chất lượng tài sản tốt nhất hệ thống với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, chỉ còn 0,97%, thấp nhất trong các TCTD quy mô lớn, là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới 1%, phân loại theo chuẩn mực quốc tế. Vietcombank tiếp tục giữ vững vị thế là NH có quy mô về lợi nhuận lớn nhất với tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 18.400 tỷ đồng, tăng trưởng 63,5% so với năm 2017.
Trong năm 2018, Vietcombank cũng được NHNN công nhận là TCTD đầu tiên của Việt Nam đáp ứng chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel II sớm hơn 1 năm so với quy định. Vietcombank cũng đã tăng vốn điều lệ thành công thông qua việc bán cổ phần cho 2 đối tác hàng đầu là GIC và Mizuho, đưa Vietcombank là TCTD có quy mô vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống ngân hàng.
Về mạng lưới quốc tế, Vietcombank đã mở NH con tại Lào và chính thức được cấp phép thành lập Văn phòng Đại diện tại New York – Mỹ...
Với mục tiêu đã đề ra, đến năm 2020 Vietcombank sẽ là ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực; một trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Đến ngày 31/12/2018, Vietcombank có 1 Trụ sở chính, 1 Trung tâm đào tạo, 1 Trung tâm xử lý tiền mặt và 106 chi nhánh trên toàn quốc, 4 công ty con tại Việt Nam, 3 công ty con tại nước ngoài, 3 công ty liên doanh, 1 công ty liên kết; 1 ngân hàng con tại Lào; 1 văn phòng đại diện đặt tại Singapore; 1 văn phòng đại diện tại Mỹ và 1 văn phòng đại diện tại Tp. HCM. Hoạt động ngân hàng còn được hỗ trợ bởi mạng lưới hơn 1.856 ngân hàng đại lý tại 176 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…