UOB hỗ trợ doanh nghiệp vượt thách thức khi thâm nhập thị trường Việt Nam
Ngày 13/4 tại TP HCM, Phòng Thương mại Singapore (SCCV) cùng các đối tác đã tổ chức sự kiện với chủ đề "Thâm nhập thị trường - Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam".
>> Ổn định tài chính - động lực thúc đẩy tăng trưởng châu Á trở lại
Theo đó, các đối tác cùng phối hợp sự kiện có UOB Việt Nam, CTCP Long Hậu, CTy TNHH Deloitte Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia gồm ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch SCCV; ông Charlie Hee Shing Chye – Giám đốc, Tư Vấn Rủi Ro SEA, Deloitte; ông Tuyền Nguyễn (Jason) – Tư Vấn Đầu Tư, Khu Công Nghiệp Long Hậu cùng bàà Nguyễn Thị Hoàng Thanh – Giám Đốc Kênh quản lý tài sản và dịch vụ tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, UOB Việt Nam đã chia sẻ các kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề về thuê mặt bằng, nhà sửa sẵn có – là nhu cầu được dự đoán có xu hướng tăng mạnh trong năm 2023, khi doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Nói về những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thanh, Giám đốc Kênh quản lý tài sản và dịch vụ tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết 3 thách thức chính của các nhà đầu tư nước ngoài khi mở rộng hoạt động Việt Nam: “Thứ nhất là vấn đề về pháp lý vì luật ở mỗi quốc gia thì khác nhau. Ở Việt Nam thì luật khá phức tạp như luật đầu tư, luật ngoại hối, luật thuế, luật doanh nghiệp. Thứ hai là vấn đề liên quan đến tài khoản vốn khi đầu tư vào Việt Nam như góp vốn, chuyển lợi nhuận về nước. Một yếu tố nữa cũng khá nổi bật đó là vấn đề về đặc trưng văn hóa, phong tục tại Việt Nam, nắm được sự khác biệt tại địa phương sẽ giúp doanh nghiệp thành công hơn trong kinh doanh”.
Bà Thanh cũng đưa ra những hướng giải pháp cho các doanh nghiệp nước ngoài để tháo dỡ những khó khăn này, theo đó các doanh nghiệp nước ngoài cần tìm cho mình những đối tác phù hợp ngay từ ban đầu, đó có thể là một công ty dịch vụ doanh nghiệp (corporate service provider) chuyên nghiệp để hỗ trợ cho việc thành lập công ty tại Việt Nam cũng như một chuyên viên tư vấn tài chính chuyên nghiệp tại ngân hàng.
Bà Thanh cho biết thêm: “Một số doanh nghiệp hợp tác với một người dân địa phương để cùng làm đại diện pháp luật và vận hành doanh nghiệp, như vậy cũng là một giải pháp để kinh doanh hiệu quả tại địa phương”.
Đáng chú ý ở góc độ tài chính, đại diện UOB cũng nêu các giải pháp cụ thể, linh hoạt cho doanh nghiệp từ phía UOB Việt Nam như: Sẵn sàng cấp tín dụng tín chấp với hạn mức lên tới 11 tỷ đồng, Lãi suất cho vay ưu đãi, Khoản vay theo giá trị lên đến 150% giá trị tài sản đảm bảo. UOB chấp nhận các tài sản đảm bảo là bất động sản tại khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An hoặc tiền gửi tiết kiệm cố định. Đối với số tiền tiết kiệm mà khách hàng gửi vào UOB sẽ được đi theo hướng thanh toán linh hoạt, sáng tạo, theo kỳ hạn.
Các chuyên gia đều đánh giá cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam là một cơ hội sáng giá trong bối cảnh các dòng vốn đầu tư FDI dài hạn đang có sự dịch chuyển và Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ đầu tư hấp dẫn bởi các yếu tố ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, điều kiện ưu đãi thu hút đầu tư và môi trường kinh doanh rộng mở, hội nhập.