Giá vàng tuần tới: Áp lực từ phiên điều trần của Powell
Giá vàng thế giới đã giảm khá mạnh trong tuần qua khi USD và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh sau Biên bản cuộc họp tháng 1/2018 của FED.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.347USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã dao động trong biên độ 1.320- 1.351USD/oz và đóng cửa ở mức 1.328USD/oz.
Biến động trái chiều
Đóng cửa tuần này ở mức 1.328 USD/oz, giá vàng quốc tế đã giảm gần 1,5% so với mức giá đóng cửa của tuần trước. Giá vàng quốc tế giảm mạnh là do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh sau khi Biên bản cuộc họp tháng 1/2018 của FED được công bố cho thấy, cơ quan này kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại mức mục tiêu 2% trong thời gian tới và sẽ tiếp tục tăng lãi suất như kế hoạch đề ra. Thậm chí, ông James Bullard, Chủ tịch FED St Louis, còn cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, thay vì 3 lần như dự kiến.
Bên cạnh đó, nhu cầu vàng vật chất vẫn ở mức thấp sau kỳ nghỉ Tết dài ngày ở một số quốc gia châu Á, nhất là ở Trung Quốc. “Các nhà đầu tư vàng Trung Quốc hiện vẫn chưa quan tâm nhiều đến vàng sau kỳ nghỉ Tết. Điều này sẽ chỉ hỗ trợ cho giá vàng tránh bị giảm sâu, chứ chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn”, chuyên gia của MKS cho biết.
Mặc dù giá vàng quốc tế có tuần giao dịch ảm đạm và thiên về xu hướng giảm, nhưng giá vàng tại thị trường Việt Nam lại khá tích cực do lực cầu mua vào gia tăng mạnh nhằm đón đầu cơ hội tăng giá ngày vía Thần tài.
Hôm nay, giá vàng miếng SJC mua vào của phần lớn các doanh nghiệp đều ở mức khoảng 36,8 triệu đồng mỗi lượng, nhưng giá vàng miếng SJC bán ra lại khác nhau, khoảng từ 37- 37,5 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC mua vào và bán ra khoảng từ 300.000- 700.000đ mỗi lượng. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay nguồn cung vàng miếng rất eo hẹp, nên các doanh nghiệp phải giữ biên độ giá vàng lớn để phòng ngừa rủi ro khi nhu cầu vàng tăng mạnh vào dịp lễ.
Áp lực điều chỉnh còn lớn
Những yếu tố tác động đến quyết định tăng lãi suất của FED trong cuộc họp ngày 21/3 sắp tới vẫn tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường. Theo khảo sát của CME Fedwatch, hiện có khoảng 83,1% khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp nói trên. Tuy nhiên, những số liệu về lạm phát, việc làm, tiền lương,… của Mỹ được công bố trong thời gian tới có thể sẽ làm thay đổi kỳ vọng của thị trường.
Mặc dù vậy, nhưng trong tuần tới, nhiều khả năng giá vàng vẫn tiếp tục chịu sức ép điều chỉnh do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể tiếp tục tăng.
“Một khi giá vàng chưa vượt qua vùng 1.360- 1.370USD/oz, thì áp lực điều chỉnh vẫn còn lớn”, ông Carlo Alberto de Casa, chuyên gia phân tích của ActivTrades cho biết và nhận định, đồng USD có thể tiếp tục tăng giá, nhưng khó đẩy giá vàng xuống dưới 1.300USD/oz. Tuy nhiên, nếu giá vàng phá vỡ 1.300USD/oz, thì giá vàng có thể bước vào giai đoạn giảm giá thực sự.
Trong khi đó, ông Afshin Nabavi, Trưởng phòng kinh doanh của Tập đoàn MKS cho rằng, giá vàng có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.320- 1.360USD/oz, nếu không có các thông tin đột biến nào.
Trong tuần tới có khá nhiều sự kiện và số liệu kinh tế quan trọng, như phiên điều trần của tân Chủ tịch FED Powell, số liệu GDP, ISM, PCE,… Trong đó, bài phát biểu của Powell có thể sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh. Theo đó, nếu bị đẩy xuống dưới 1.318USD/oz, thì giá vàng sẽ giảm về vùng 1.300USD/oz, tiếp đến là 1.285USD/oz. Ngược lại, vượt qua 1.336USD/oz, thì giá vàng có thể lên tới vùng 1.350-1.365USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới, trong số 19 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 7 người (37%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 7 người dự báo giá vàng đi ngang; 5 người (26%) dự báo giá vàng giảm.
Trong khi đó, trong số 900 độc giả tham giá khảo sát trực tuyến của Kitco, có 423 người (47%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 366 người (41%) nhận định giá vàng giảm; 111 người (12%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.