Không dễ chuyển hóa vàng trong dân

Ngọc Anh 10/03/2018 05:45

Vàng trong dân là có thực, thậm chí rất dồi dào. Tuy nhiên, việc tìm kiếm giải pháp để “đánh thức” nguồn lực này đang là bài toán đau đầu của cơ quan quản lý Nhà nước và gây tranh cãi trong thời gian qua.

Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án chống vàng hóa, trong đó nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh.

 Người dân lũ lượt kéo nhau xếp hàng đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài vừa qua. Ảnh: Quốc Tuấn

Người dân lũ lượt kéo nhau xếp hàng đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài vừa qua. Ảnh: Quốc Tuấn

Nhu cầu vàng chưa “nguội”

Những năm trước đây khi giá vàng quốc tế tăng đột biến do các sự kiện địa chính trị hay kinh tế thế giới, thì giá vàng trong nước cũng thường “lên cơn sốt co giật” mạnh. Kéo theo đó là nhu cầu vàng tăng mạnh, khiến giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng quốc tế đến 5- 7 triệu đồng mỗi lượng. Đến nay tình trạng đó gần như đã không còn, nhờ quyết định của Chính phủ về việc chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tuy nhiên, nhìn cảnh người dân lũ lượt kéo nhau đi xếp hàng mua vàng (mặc dù chủ yếu mua vàng trang sức) trong ngày vía Thần Tài vừa qua lại khiến chúng ta không khỏi băn khoăn về tính hiệu quả của phương án tự chuyển hóa vàng trong dân mà bấy lâu nay NHNN vẫn thường tung hô.

Trong những năm qua, nhu cầu vàng miếng đã giảm, nhưng nhu cầu vàng trang sức, đặc biệt là vàng nhẫn tròn trơn ép vỉ lại có xu hướng gia tăng, vì chênh lệch giữa giá vàng này so với giá vàng quốc tế thấp hơn so với chênh lệch giữa giá vàng miếng so với giá vàng quốc tế.

Theo thống kê của NHNN, lượng vàng của người dân gửi giữ hộ mất phí tại các TCTD hiện chỉ còn khoảng dưới 3 tấn. Tuy nhiên trên thực tế, lượng vàng của người dân giữ ở nhà, cho vay đối với các tổ chức, cá nhân liên quan vẫn còn rất lớn, thậm chí lên tới hàng nghìn tấn như nhận định của Hội đồng vàng Thế giới.

Được biết, NHNN đang xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan và chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Giải pháp hạn chế tình trạng vàng hóa nhằm chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020”, trong đó đề xuất Chính phủ tổ chức huy động vàng trong dân theo hướng tự chuyển hóa vàng.

Giải pháp nào tối ưu?

Trên thực tế, tự chuyển hóa vàng trong dân sẽ chỉ có hiệu quả khi kinh tế vĩ mô thực sự ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, vị thế của VND được nâng cao, lòng tin của người dân vào VND được gia tăng. Tuy nhiên phải chờ đến bao giờ chúng ta mới đạt được những nền tảng ổn định như trên để người dân tự nguyện bán vàng chuyển thành VND, trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế của đất nước ngày càng lớn.

Theo ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, vàng tiền tệ hay vàng miếng được hình thành từ thói quen của nhân loại, chứ không phải của người Việt Nam. Nhân loại đã chọn vàng làm vật trú ẩn từ 3.000 năm nay. Phần lớn các NHTW thế giới đều dự trữ một phần vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của họ. “Nếu nói rằng một sớm một chiều người dân bán hết vàng đi để lấy VND đưa vào sản xuất kinh doanh là chuyện không tưởng, nhất là khi VND chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Hải cho rằng, nếu chúng ta tổ chức huy động vàng với lãi suất âm (gửi vàng phải mất phí) thì người dân sẽ không gửi, còn huy động vàng với lãi suất dương sẽ làm tăng tình trạng vàng hóa. Do đó, giải pháp huy động vàng tốt nhất hiện nay là phát hành chứng chỉ vàng với lãi suất bằng 0.

Theo đó, NHNN sẽ ủy quyền cho một số TCTD đủ điều kiện phát hành chứng chỉ vàng để tổ chức huy động vàng trong dân. Sau đó, cơ quan quản lý Nhà nước có thể phát hành trái phiếu quốc tế có đảm bảo bằng vàng. “Trái phiếu quốc tế có đảm bảo bằng vàng chắc chắn sẽ có lãi suất thấp hơn nhiều so với trái phiếu không được đảm bảo”, ông Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, có thể sử dụng vàng để thế chấp vay ngoại tệ, hoặc hoán đổi vàng lấy ngoại tệ ở các ngân hàng nước ngoài.

Với các phương án này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phải trả lãi suất trái phiếu hay lãi suất vay ngoại tệ, phí chuyển đổi vàng sang vàng tiêu chuẩn quốc tế và ngược lại. Tuy nhiên sau khi trừ các khoản phí này, lãi suất thu được từ cho vay ngoại tệ đối với các TCTD vẫn thực dương.

Về dài hạn, thành lập Sở giao dịch vàng vẫn là phương án hữu hiệu nhất, bởi nó sẽ góp phần chuyển đổi mạnh thị trường vàng Việt Nam từ thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng phi vật chất, qua đó đẩy lùi được tình trạng vàng hóa và huy động được nguồn lực vàng trong dân.

Ngọc Anh