Hướng đi nào cho giá vàng ngắn hạn?
Các yếu tố hỗ trợ cho giá vàng ngày càng ít đi đã và đang khiến giá kim loại quý này bị “hụt hơi” trong ngắn hạn.
Sau khi chạm mốc 1.301USD/oz, giá vàng đã gần như đi ngang theo hướng điều chỉnh, củng cố trong biên độ khá hẹp. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm qua, giá vàng đã bật tăng lên mức 1.322USD/oz do USD sụt giảm mạnh (Trong phiên giao dịch hôm qua, USD index đã giảm từ 92,96 điểm- mức cao trong hơn 3 tháng, xuống tới mức 92,65 điểm) khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sụt giảm xuống mức 0,1% trong tháng 4, so với mức dự kiến và kỳ trước là 0,2%. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ phải cân nhắc lại kế hoạch tăng lãi suất của mình.
Trong khi đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã và đang làm gia tăng bất ổn địa chính trị ở khu vực Trung Đông, đồng thời đẩy giá dầu thô tăng mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua. Trong đó, phiên giao dịch hôm qua giá dầu thô Brent đã chạm mức 77,26USD/thùng và giá dầu thô nhẹ ngọt đạt mức 71,26USD/thùng. Điều này đã giúp làm tăng sự hấp dẫn của vàng đối với các nhà đầu tư.
Dù chỉ số CPI giảm mạnh, nhưng giá dầu thô tăng đã góp phần duy trì kỳ vọng của thị trường về việc Fed tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 13/6 sắp tới ở mức 100%, theo khảo sát của CME FedWatch.
Hiện nay đang là giai đoạn thấp điểm của nhu cầu vàng vật chất, nhất là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Do đó, nhu cầu này gần như không hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng trong ngắn hạn.
Ngoài ra, ông Trump và ông Kim Jong-un đã ấn định cuộc họp thượng định tại Singapore vào ngày 12/6, điều này mở ra nhiều cơ hội đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá vàng chịu áp lực trong những phiên giao dịch vừa qua.
Bởi vậy, giới chuyên gia cho rằng, giá vàng có thể sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ vì vấn đề Iran, nhưng mức tăng không đáng kể.
Ông Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích của Kitco cho rằng, nếu giá vàng bị đẩy xuống dưới 1.300USD/oz, thì có thể kích hoạt lệnh bán tháo. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này có thể chưa xảy ra.
“Mức kháng cự đầu tiên của giá vàng sẽ là 1.323USD/oz, kế tiếp là vùng 1.330USD/oz. Trong khi đó, mức hỗ trợ trước mắt là 1.310USD/oz, kế tiếp là 1.300USD/oz”, ông Jim Wyckoff nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang thiên về xu hướng điều chỉnh, củng cố, mà chưa có xu hướng tăng/giảm rõ ràng. Theo đó, mức kháng cự quan trọng đang ở 1.326USD/oz (MA100), kế tiếp là 1.328-1.338USD/oz. Trong khi đó, mức hỗ trợ đang ở 1.306USD/oz (MA200).
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng có xu hướng theo sát giá vàng quốc tế trong những phiên giao dịch vừa qua. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh từ mức 36,65- 36,78 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,55- 36,63 triệu đồng/lượng vào giữa tuần, giảm 100.000đ/lượng ở chiều mua vào và 150.000đ/lượng ở chiều bán ra. Tuy nhiên, ở phiên giao dịch hôm nay, giá vàng miếng SJC đã phục hồi lên mức 36,66- 36,75 triệu đồng/lượng.
Đáng lưu ý, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi gần như không thay đổi so với cuối tuần qua, hiện đang ở mức 470.000đ/lượng.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, do giá vàng miếng SJC vẫn đi ngang theo xu hướng giá vàng quốc tế, nên nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư vẫn ở mức khá thấp.