Áp lực chốt lời vàng ngắn hạn vẫn còn lớn
Giá vàng đã tăng nhẹ trở lại sau khi USD và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm do lo ngại về những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và một số quốc gia. Tuy nhiên, áp lực chốt lời vàng ngắn hạn vẫn còn lớn.
Sau khi mở cửa tuần này ở mức 1.292USD/oz, giá vàng đã dao động trong biên độ 1.289- 1.300USD/oz. Mặc dù giá vàng đã phục hồi, nhưng nhìn chung vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, củng cố.
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu thép, nhôm đối với EU, Canada và Mexico đã khiến các quốc gia này “phản đòn” quyết liệt. Trong đó, Mexico đã quyết định áp thuế trả đũa đối với thép, thịt lợn và rượu whisky ngô của Mỹ nhập khẩu vào quốc gia này. Trong khi đó, EU và Canada cũng đang xem xét các biện pháp trả đũa đối với động thái nói trên của Mỹ. Những xung đột thương mại này đã khiến chỉ số USD giảm mạnh xuống dưới mức 94 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ xuống mức 2,93%.
Có thể bạn quan tâm
|
Tuy nhiên, việc Fed xem xét tăng lãi suất trong cuộc họp 13/6 sắp tới, cộng với hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều vào ngày 12/6 vẫn đang tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư vàng.
Ông Ronald Leung, Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Giao dịch vàng Lee Cheong (Hồng Kông), cho rằng trong thời gian trước mắt, nhu cầu giao dịch vàng vẫn còn yếu do dòng vốn đầu tư vẫn đang bám trụ trên các thị trường khác, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Hơn nữa, theo thường lệ hàng năm, giai đoạn này đang là mùa thấp điểm về giao dịch vàng vật chất, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, nên nhu cầu này gần như chưa hỗ trợ cho giá vàng. Bằng chứng là, dù giá vàng đã nằm dưới mức 1.300USD/oz trong thời gian vừa qua, nhưng lực mua vàng vật chất không có dấu hiệu gia tăng mạnh như thời điểm những tháng cuối năm ngoái.
Bởi vậy, giá vàng có thể sẽ tiếp tục đi ngang cho tới khi có kết quả cuộc họp của Fed và hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều vào tuần tới.
Các chỉ số kỹ thuật, như MACD, RSI, ADX, Stochastic, Parabolic PAR,… cũng cho thấy xu hướng chưa rõ ràng của giá vàng ngắn hạn. Mặc dù đường tín hiệu đã cắt lên trên đường MACD, nhưng vẫn nằm dưới đường zero; đường xu hướng ADX đang cho tín hiệu rất yếu,… Theo đó, nếu giá vàng vẫn còn ở dưới 1.307USD/oz, thì áp lực chốt lời vẫn tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, mức 1.277USD/oz (MA100 trên biểu đồ tuần) vẫn đang là mức hỗ trợ quan trọng, dưới mức này sẽ là 1.234USD/oz (MA200).
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC vẫn đi ngang theo xu hướng giá vàng quốc tế. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ từ mức 36,56- 36,67 triệu đồng/lượng đến mức 36,58- 36,73 triệu đồng/lượng, tăng/giảm bình quân 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000đ/lượng ở chiều bán ra.
Do giá vàng ít biến động, nên chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi vẫn ổn định ở mức khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, xu hướng bán ra hiện vẫn đang chiếm áp đảo, bởi các nhà đầu tư đang lo ngại rủi ro từ cuộc họp của Fed, cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Kim- Trump.
“Tôi đã bán chốt lời vàng trong những phiên giao dịch vừa qua, hiện chỉ còn giữ tỷ trọng đầu tư vàng khoảng 10% trong danh mục đầu tư của mình”, anh Nguyễn Mạnh Hà, nhà đầu tư tài chính tại Hà Nội nói và cho biết thêm, do mức sinh lời từ đầu tư vàng miếng SJC không hấp dẫn như những năm trước đây, nên không ít nhà đầu tư đã không còn mặn mà với vàng.