Trump làm căng với Trung Quốc, giá vàng sẽ đi về đâu?
Giá vàng vẫn đang chịu áp lực khi USD tiếp tục đà tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt, bất chấp xung đột thương mại Mỹ- Trung tiếp tục leo thang.
Sau khi mở cửa tuần này ở mức 1.255USD/oz, giá vàng đã dao động trong biên độ 1.247- 1.265USD/oz. Như vậy, giá vàng đã phục hồi trong những phiên đầu tuần này do FED tỏ ra thận trọng với kế hoạch tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng từ mức 3,8% lên mức 4%, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương hàng giờ lại sụt giảm.
Tuy nhiên, căng thăng thương mại Mỹ- Trung leo thang lại làm cho USD trở thành đồng tiền đóng vai trò trú ẩn an toàn cao hơn nhiều so với cả vàng. Bởi vậy, chỉ số USD tiếp tục tăng 0,14% lên mức 93,98 điểm trong phiên giao dịch hôm qua và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng trong phiên hôm nay.
“Nếu USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt trong thời gian tới, thì giá vàng sẽ quay trở lại mức 1.236USD/oz, mức thấp nhất của tuần trước và giữa tháng 12/2017”, ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích của Commerzbank tại Frankfurt nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Giá vàng tuần tới: Phục hồi nhẹ, nhưng cẩn trọng đảo chiều
12:04, 07/07/2018
Giá vàng tuần tới: Vượt bán, nhưng khó “lội ngược dòng”
12:21, 30/06/2018
Quyết định bất ngờ của Trump sẽ “vực dậy” giá vàng tuần tới?
12:38, 23/06/2018
USD tăng vọt, giá vàng sẽ giảm tới đâu?
16:33, 21/06/2018
FED thận trọng, giá vàng sẽ bứt phá?
13:30, 14/06/2018
Những yếu tố nào chi phối giá vàng tuần tới?
07:46, 10/06/2018
Không chỉ dừng lại ở các gói thuế qua mạnh mẽ trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiếp tục áp thuế nhập khẩu 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Một số mặt hàng trong danh sách áp thuế lần này của Trump có trong danh mục hàng hóa thuộc chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc. Thời gian áp dụng gói thuế này dự kiến từ ngày 20/8 tới. Điều này làm cho xung đột thương mại Mỹ- Trung lên tới đỉnh điểm. Giới chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa Mỹ đối với gói thuế quan này, thì cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 quốc gia này đã thực sự bùng nổ.
Trong khi đó, các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR, tiếp tục bán tháo vàng. Trong phiên giao dịch ngày 11/7, số lượng vàng nắm giữ ở SPDR đã giảm 0,18% xuống mức 800,77 tấn.
“Giá vàng chỉ thực sự phục hồi mạnh mẽ trở lại khi các quỹ đầu tư quay trở lại mua vàng”, ông Carsten Fritsch nhấn mạnh và dự báo, giá vàng có thể sẽ chỉ phục hồi sau mùa thu năm nay.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang có xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn khi các chỉ số MACD, Stochastic, ADX, RSI... vẫn cho thấy tín hiệu tiêu cực. Theo đó, nếu giá vàng bị đẩy xuống dưới 1.234USD/oz, thì có thể xuống tới sát vùng 1.200USD/oz. Khả năng này đang được giới chuyên gia phân tích kỹ thuật đánh giá rất cao.
Ngược lại, nếu vượt qua 1.274- 1.285USD/oz, thì giá vàng có thể leo lên vùng 1.300USD/oz trong ngắn hạn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở vùng giá này là rất lớn.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC tiếp tục điều chỉnh, củng cố theo đà giảm của giá vàng quốc tế. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,89- 37,01 triệu đồng/lượng xuống mức 36,84- 36,94 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 50.000đ/lượng ở chiều mua vào và 60.000đ/lượng ở chiều bán ra.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, do giá vàng giảm, nên nhu cầu mua vào trong phiên hôm qua đã tăng so với các phiên giao dịch trước đây. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch vẫn ở mức trung bình.
Hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ổn định ở mức khoảng 2.100.000đ/lượng.