Giá vàng hôm nay 9/6: Áp lực lớn, khó phục hồi mạnh mẽ

NGỌC ANH 09/06/2020 06:27

Nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng trong ngắn hạn vẫn đang chịu áp lực lớn, nên khó phục hồi mạnh mẽ.

Giá vàng hôm nay vẫn có xu hướng điều chỉnh, tích lũy

Giá vàng hôm nay vẫn có xu hướng điều chỉnh, tích lũy

Trong phiên giao dịch hôm qua, sau khi mở cửa ở mức 1.782USD/oz, giá vàng quốc tế đã có thời điểm giảm xuống 1.677USD/oz, nhưng sau đó tăng lên mức 1.700USD/oz và đóng cửa ở mức 1.797USD/oz.

Sáng nay trên thị trường Châu Á, giá vàng mở cửa ở mức 1.796USD/oz, sau đó dao động trong biên độ 1.795-1.701USD/oz.

Tuy nhiên tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC lại giảm từ mức 48,65 triệu VND/lượng xuống mức 48,48 triệu VND/lượng, với khối lượng giao dịch rất trầm lắng.

Sáng nay, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI vẫn ở mức 48,5 triệu VND/lượng, chưa thay đổi so với cuối ngày hôm qua.

Sở dĩ giá vàng hôm qua phục hồi do các nhà đầu tư bắt đáy giá vàng khi xét thấy dù số liệu việc làm của Mỹ được công bố ở mức khả quan, nhưng nền kinh tế này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, FED sẽ buộc phải tiếp tục bơm tiền vào cứu nền kinh tế. Điều này sẽ gây sức ép lạm phát trong trung và dài hạn.

Mặc dù vậy, áp lực điều chỉnh của giá vàng trong ngắn hạn vẫn còn lớn khi nhu cầu đầu tư và nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp, đặc biệt trạng thái đầu cơ mua vàng tương lai đang ở mức cao kỷ lục, lớn hơn nhiều lần trạng thái bán. Hơn nữa, nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại cũng làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế thế giới, qua đó dòng vốn có thể tiếp tục chảy từ vàng sang các kênh đầu tư rủi ro, như chứng khoán, bất động sản…

Ông Ole Hansen, Giám đốc chiến lược của Saxo Bank, cho rằng thị trường vàng sẽ tiếp tục đối mặt với vấn đề thanh khoản do lượng giao dịch vàng sụt giảm mạnh theo chu kỳ hàng năm. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế thế giới phục hồi theo hình chữ V, nên cũng đã chốt lời vàng để đầu tư vào các tài sản rủi ro. Làn sóng nay có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn và gây áp lực cho giá vàng. Tuy nhiên, các gói cứu trợ của các nền kinh tế trên thế giới đã lên tới trên 10 nghìn tỷ USD, sẽ tiềm ẩn nguy cơ lạm phát rất lớn trong dài hạn, qua đó sẽ đẩy giá vàng tăng.

Đồng quan điểm, Credit Suisse cũng cho rằng dù giá vàng đang điều chỉnh ngắn hạn, nhưng sẽ tăng trong dài hạn, không ngoại trừ khả năng giá vàng sẽ tăng lên mức đỉnh cao của năm 2011 là 1.921USD/oz.

Theo nhận định của Credit Suisse, giá vàng bình quân quý 2 sẽ ở mức 1.700USD/oz; giá vàng bình quân quý 3 ở mức 1.750USD/oz và quý 4 ở mức 1.775USD/oz. Theo đó, giá vàng bình quân năm 2020 ở mức 1.701USD/oz. Giá vàng bình quân năm 2021 tiếp tục tăng lên 1.800USD/oz. Tuy nhiên, đến năm 2022, giá vàng bình quân sẽ giảm xuống 1.650USD/oz.

Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, Stochastic, ATR, ADX… vẫn tiếp tục cho thấy tín hiệu điều chỉnh của giá vàng. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên mức 1.640USD/oz (MA100), thì giá vàng sẽ phục hồi trở lại lên trên 1.700USD/oz, nhưng khó tăng mạnh qua vùng 1.745- 1.765USD/oz. Tuy nhiên, nếu bị đẩy xuống dưới mức 1.640USD/oz, giá vàng có nguy cơ áp sát 1.600USD/oz, thậm chí thấp hơn nữa là 1.570USD/oz.

Có thể bạn quan tâm

  • Số liệu việc làm Mỹ khả quan, giá vàng tuần từ 8- 12/6 sẽ ra sao?

    Số liệu việc làm Mỹ khả quan, giá vàng tuần từ 8- 12/6 sẽ ra sao?

    06:00, 07/06/2020

  • Giá vàng hôm nay 4/6: Sức ép từ kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới

    Giá vàng hôm nay 4/6: Sức ép từ kỳ vọng phục hồi kinh tế thế giới

    06:30, 04/06/2020

  • Giá vàng hôm nay 3/6: Đà tăng ngắn hạn thiếu bền vững

    Giá vàng hôm nay 3/6: Đà tăng ngắn hạn thiếu bền vững

    06:30, 03/06/2020

  • Giá vàng hôm nay 28/5: Cẩn trọng cú đảo chiều giảm ngắn hạn

    Giá vàng hôm nay 28/5: Cẩn trọng cú đảo chiều giảm ngắn hạn

    06:30, 28/05/2020

  • Giá vàng hôm nay 26/5: Thiếu lực đẩy từ nhu cầu vàng vật chất

    Giá vàng hôm nay 26/5: Thiếu lực đẩy từ nhu cầu vàng vật chất

    06:20, 26/05/2020

NGỌC ANH