“Liều thuốc” nào cắt cơn loạn giá vàng?

NGỌC ANH 01/03/2021 06:10

Mỗi doanh nghiệp ấn định một giá vàng, điều đáng nói hơn giá vàng miếng SJC “bỏ xa” giá vàng quốc tế tới 8 triệu đồng mỗi lượng, khiến người mua “khóc thầm”.

Giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi tới 8 triệu đồng mỗi lượng.

Do chênh lệch giá lớn, nên nhiều người dân do dự mua vàng.

Trong những tháng đầu năm nay, dù giá vàng thế giới không lên “cơn sốt”, thậm chí còn “cắm đầu” lao dốc khi giảm từ mức 1.959 USD/oz xuống tới mức 1.717USD/oz (tương đương hơn 47,8 triệu đồng/lượng), giảm tới 12,3%, nhưng giá vàng miếng SJC tại Việt Nam chỉ giảm 57,4 triệu đồng/lượng xuống mức 56,1 triệu đồng/lượng, giảm 2,2%. Do đó tính đến ngày 27/2, giá vàng miếng SJC đã cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi tới 8 triệu đồng mỗi lượng- mức chênh lệch cao nhất trong nhiều năm nay.

Điều đáng nói là mỗi doanh nghiệp niêm yết một giá khác nhau, chẳng hạn ngày 28/2, giá mua vàng miếng SJC niêm yết tại DOJI ở mức 55,55 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua loại vàng này tại Công ty Bảo Tín Minh Châu ở mức 55,75 triệu đồng/lượng; giá mua vàng miếng SJC tại Phú Quý ở mức 55,7 triệu đồng/lượng… Còn đối với giá vàng nhẫn tròn ép vỉ, dù loại vàng này có mức giá chênh lệch so với giá vàng quốc tế ít hơn so với giá vàng miếng SJC, nhưng mức giá vàng này ở các doanh nghiệp vàng có sự chênh lệch nhau rất lớn, dù cùng hàm lượng. Ví dụ giá vàng bán nhẫn tròn trơn ở Phú Quý ở mức 53,9 triệu đồng/lượng, nhưng giá bán loại vàng này ở Bảo Tín Minh Châu ở mức 54,16 triệu đồng/lượng…

Với việc “loạn” giá vàng như trên, người mua vàng luôn phải “ôm” lấy thiệt thòi và rủi ro cao; còn doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được rủi ro mỗi khi giá vàng có biến động lớn. Sở dĩ có thực trạng này là do có 2 nguyên nhân cơ bản:

Thứ nhất, từ năm 2012 khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, không cấp phép cho doanh nghiệp nào nhập khẩu vàng nguyên liệu, kể cả vàng nguyên liệu đế sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Thậm chí từ nhiều năm nay, NHNN cũng không tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC để cung ứng loại vàng này ra thị trường. Điều này đã dẫn tới nguồn cung vàng miếng SJC nói riêng và nguồn cung vàng nói chung bị khan hiếm, buộc doanh nghiệp phải giữ giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi.

Thứ hai, Việt Nam chưa có Sở giao dịch vàng tập trung, nên mỗi doanh nghiệp tự ấn định một mức giá vàng khác nhau, sao cho giảm thiểu được rủi ro do giá vàng biến động rất phức tạp, nhưng không có đủ nguồn đối ứng cân đối trạng thái vàng.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá vàng quốc tế không chỉ gây bất lợi, rủi ro cho người dân, nhà đầu tư…, mà còn có nguy cơ dẫn tới thực trạng nhập lậu vàng qua biên giới, đường hàng không…, gây “chảy máu” ngoại tệ, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế tới 8 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế tới 8 triệu đồng mỗi lượng.

Quả vậy, tình trạng nhập lậu vàng đã diến biến phức tạp. Cuối năm 2020, Công An tỉnh An Giang đã bắt giữ một nhóm đối tượng nhập lậu 51 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam… Đây có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi với giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng quốc tế tới 8 triệu đồng, thì tình trạng này có thể còn diễn biến phức tạp hơn nữa.

Cũng theo vị chuyên gia nói trên, khi nguồn cung vàng khan hiếm, khó tránh khỏi tình trạng nhập lậu vàng, bởi Việt Nam chỉ khai thác được khoảng 1,5 tấn vàng mỗi năm, nếu doanh nghiệp chỉ thu mua vàng cũ hỏng làm vàng nguyên liệu, thì không đủ để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Vị chuyên gia này cho rằng đã đến lúc thị trường vàng Việt Nam không thể hoạt động theo kiểu “một mình một chợ”, mà NHNN cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lâp Sở giao dịch vàng tập trung. Khi Sở giao dịch vàng này được thành lập, sẽ góp phần minh bạch hóa mọi giao dịch vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng như giữa giá mua và giá bán sẽ giảm thiểu, góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà đầu tư khi giao dich vàng. Khi đó, tình trạng xuất, nhập khẩu lậu vàng sẽ bị đẩy lùi, thậm chí vàng trong dân cũng sẽ được huy động. Đặc biệt, Sở giao dịch vàng tập trung sẽ góp phần loại bỏ dần những sàn vàng chui dưới dạng sàn forex đang nở rộ như hiện nay…

“Trong thời gian đầu, Sở giao dịch vàng này cần hoạt động dưới dạng sàn giao dịch vàng vật chất, có thể duy trì ký quỹ cao, thậm chí 80-90%, sau đó giảm dần theo thông lệ quốc tế, chứ không nên hoạt động theo kiểu chênh lệch giá (contract for differences- CFD) như các sàn vàng trước đây. Khi thị trường vàng phát triển ổn định, có thể tiến tới mở rộng các hình thức giao dịch phái sinh”, vị chuyên gia này khuyến nghị.   

Có thể bạn quan tâm

  • Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

    05:30, 28/02/2021

  • Giá vàng tuần tới: “Bắt đáy” hay chờ thời?

    Giá vàng tuần tới: “Bắt đáy” hay chờ thời?

    05:30, 21/02/2021

  • “Nới van” điều tiết thị trường vàng (Kỳ III): Cần sớm thành lập Sở giao dịch vàng

    “Nới van” điều tiết thị trường vàng (Kỳ III): Cần sớm thành lập Sở giao dịch vàng

    11:30, 07/12/2020

  • Cần lộ trình sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia

    Cần lộ trình sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia

    05:00, 18/08/2020

  • Kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia: Ổn định và nhiều lợi ích

    Kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia: Ổn định và nhiều lợi ích

    13:33, 18/06/2016

NGỌC ANH