Vàng trong nước sát ngưỡng 56 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước vẫn đang tăng theo giá vàng thế giới và tiến sát ngưỡng 56 triệu đồng/lượng trong ngày 22/4. Đồng thời giữ độ chênh cao hơn giá vàng thế giới trên 6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại ngân hàng Eximbank, cập nhập lúc 12 giờ trưa 22/4, giá vàng miếng niêm yết ở mức giá 55,70 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 55,90 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 200.000 đồng so với ngày 21/4.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giá vàng miếng mua vào là 55,62 triệu đồng/lượng và bán ra 55,96 triệu đồng/lượng, tăng 190.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 160.000 đồng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC đang duy trì ở mức thấp là 340.000 đồng/lượng khi thị trường giao dịch trầm lắng.
Còn tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng giao dịch ở mức 55,6 triệu đồng/lượng mua vào và 55,95 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều mua và 50 nghìn đồng/lượng chiều bán.
Cùng giờ trên, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 55,60 - 55,95 triệu đồng/lượng, ở cả hai thị trường Hà Nội và TP.HCM, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/4. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI ở thời điểm trên là 350.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới 21/4 theo giờ Việt Nam cũng tăng vọt hơn 15 USD/ounce và gần chạm mức 1.800 USD/ounce. Trong sáng 22/4, vàng thế giới giảm nhẹ xuống 1.795 USD/ounce, gần cao nhất 3 tháng. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 49,95 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy mỗi lượng vàng SJC trong nước vẫn cao hơn giá thế giới 6,04 triệu đồng/lượng.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu vàng có thể vượt mốc 1.800 USD/ounce trong tuần này thì đà tăng sẽ trở nên chắc chắn hơn. Giá vàng hồi phục từ đầu tháng 4 đến nay sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ và tỷ giá USD đã "giảm nhiệt" nhanh chóng trong những phiên giao dịch gần đây. Cuối tuần qua, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,59% - mức thấp nhất một tháng và chỉ số USD-Index cũng trượt về sát 91 điểm - mức đáy của bốn tuần qua.
Đồng bạc xanh suy yếu khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Bên cạnh đó, lực mua từ Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất, thường chiếm khoảng 2/5 nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm của thế giới - cũng đóng góp không nhỏ vào sự hồi phục của giá vàng.
Bên cạnh đó, vàng phát huy vai trò tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo ngại về tình hình COVID-19 gia tăng ở một số nước châu Á. Theo hãng tin AP, Ấn Độ đang là điểm nóng COVID-19 với số ca mắc bệnh cao thứ hai với 15,6 triệu người và đứng thứ tư trên toàn cầu về số ca tử vong với 182.553 ca. Ấn Độ vừa báo cáo số ca mắc mới kỷ lục với hơn 200.000 ca trong ngày thứ bảy liên tiếp.
Ngoài ra, một thông tin có thể ảnh hưởng đến giá vàng ngắn hạn là các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vẫn đang bán ròng vàng. Theo số liệu từ Hội đồng vàng Thế giới, từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2021, các quỹ ETF vàng đã bán ròng bốn quý liên tiếp. Riêng trong tháng ba, các quỹ này xả 108 tấn vàng, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng dự báo đà xả bán này sẽ dừng lại và vàng sẽ được "bảo hộ" giá trở lại bởi lo ngại lạm phát đang tăng cao.
Có thể bạn quan tâm