"Muốn xoá độc quyền vàng miếng cần cấp bách sửa chính sách"
Đó là quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long. Theo ông Long sau 10 năm áp dụng để chống vàng hoá nền kinh tế, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần cấp bách sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.
>>Có hay không sự thao túng giá vàng SJC?
Độc quyền vàng miếng quá lâu
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, liên quan đến thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC cách đây 10 năm, khi Nghị định 24/2012 của Chính phủ ban hành chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/lượng, nhưng hiện nay giá vàng đã lên đến gần 70 triệu đồng/lượng.
Vị đại biểu cũng đặt ra vấn đề, giá vàng tăng cao như vậy có ảnh hưởng đến tình hình lạm phát, dẫn đến đồng tiền Việt Nam mất giá? Từ đó, có cần tổ chức nào đó sản xuất thương hiệu vàng nào khác để cạnh tranh với SJC hay không?
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định sẽ nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các đại biểu và cũng sẽ xin ý kiến rộng rãi để lựa chọn nhiều thương hiệu khác để cùng sản xuất vàng miếng hay là một thương hiệu của NHNN.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đánh giá, các loại vàng có tuổi 9999 giá chỉ dao động 54-55 triệu đồng/lượng tương đương giá vàng thế giới, trong khi giá vàng miếng SJC gần 70 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự độc quyền một thương hiệu vàng SJC, tạo nguồn cung hạn hẹp, dẫn đến nhu cầu tăng ảo thì chắc chắn thiệt thòi sẽ thuộc về người tiêu dùng. Như vậy, thị trường mất tính cạnh tranh, hay môi trường cạnh tranh không lành mạnh, khi đặc quyền chỉ dành cho một nhóm cá biệt, gây ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế.
“Thực tế, Việt Nam không sản xuất được vàng, phải nhập khẩu về, cộng thêm tiền thuế, phí nên có sự chênh lệch, nhưng chênh lệch quá cao là bất hợp lý. Đồng thời, chúng ta không có sàn giao dịch vàng, do đó, người mua vàng thế giới qua tài khoản khi về Việt Nam phải đổi thành vàng vật chất. Người ta ước tính có khoảng 500-600 tấn vàng trong dân, nếu khai thác hợp lý được được nguồn lực này phục vụ cho sản xuất thì sẽ rất tốt, tuy nhiên điều đó phụ thuộc vào chính sách pháp luật”, vị chuyên gia nói.
Liên quan đến Nghị định 24, theo PGS. TS. Ngô Trí Long, sau 10 năm áp dụng để chống vàng hoá nền kinh tế, đến nay, Nghị định này cần sửa đổi cho phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập thế giới, mà phải đặt đây là vấn đề cấp bách.
Tại nhiều nước trên thế giới, tiêu chuẩn vàng được đánh giá theo tuổi vàng, đảm bảo chất lượng 9999 thì được công nhận, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm với thuơng hiệu vàng của mình, tạo ra một môi trường kinh doanh đa dạng, có nhiều sự lựa chọn cho người mua. Đã đến lúc, Việt Nam cũng nên áp dụng theo phương thức này để chống lại tình trạng đặc quyền đặc lợi, tránh thiệt hại cho người mua vàng.
>>Áp lực lãi suất kéo giá vàng đi xuống
Sửa sao cho phù hợp?
Vấn đề mà nhiều chuyên gia cũng đặt ra đó là, kiến nghị sửa Nghị định 24 nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng còn vướng nhiều quy định, nên nhiều vấn đề chưa thể thực hiện sửa được.
Theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty luật ANVI, Khoản 2 điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về “Quản lý hoát động kinh doanh vàng” quy định như sau: “2. Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ”.
Như vậy, khái niệm “vàng miếng chỉ là mô tả về hình thức bên ngoài, chứ không phải là bản chất khác. Trên thực tế, vàng miếng chỉ khác vàng khác ở chỗ là được Ngân hàng nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cho phép sản xuất, không có ý nghĩa để phân biệt và quản lý.
Do đó, cần chuyển sang “quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn”, bỏ quản lý bằng điều kiện kinh doanh, nhất là việc cấp phép, tương tự như với quy định tại khoản 7, Điều 4 về “Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ”.
Còn theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải đánh giá, mục tiêu chống vàng hoá thông qua việc NHNN độc quyền nhập khẩu vàng để dập vàng miếng, quản lý sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC thông qua Nghị định 24/2012 đã thành công. Nhưng cơ quan này lại không can thiệp khi giá vàng SJC quá cao so với thế giới đã gây ra thiệt thòi lớn cho người tiêu dùng.
“Với quan điểm của tôi, hiện giá vàng SJC không phản ánh được bản chất thay đổi của giá vàng thế giới. Đây là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo với nguồn cung bị hạn chế, kể cả điểm bán lẻ. Dưới tác động của Nghị định 24 chỉ còn 2.000 điểm bán vàng miếng SJC với nhiều điều kiện nghiêm ngặt.
Để chống vàng hóa thì Nhà nước cần cấm việc huy động vàng và cho vay bằng vàng từ các ngân hàng thương mại như trước đây. Như vậy, thị trường vàng miếng sẽ vận hành một cách bình thường và hợp lý. Khi trả lại thị trường vàng miếng một cách bình thường theo giá thế giới, người tiêu dùng sẽ có lợi do thị trường vàng có nhiều người tham gia, sẽ hình thành mức giá hợp lý. Giá vàng trong nước cũng bám sát giá vàng thế giới, chứ không có mức chênh lệch lớn như hiện nay”, ông Trần Thanh Hải khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Vàng miếng SJC: Nghịch lý thị trường, thuận đường vào túi ai?
11:00, 11/06/2022
Độc quyền sản xuất vàng miếng SJC làm “méo mó” thị trường
05:10, 11/06/2022
Áp lực lãi suất kéo giá vàng đi xuống
04:00, 11/06/2022
Sẽ rà soát, đánh giá kỹ quy định quản lý thị trường vàng
02:00, 10/06/2022