Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong thực hiện quyền trẻ em

Anh Trà 18/12/2019 11:07

Thực tế cho thấy, mọi doanh nghiệp đều liên quan đến trẻ em bởi trẻ em không chỉ là khách hàng của doanh nghiệp mà còn là con em cán bộ nhân viên….

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa từng nghe đến nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em. Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn với Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam về vấn đề này.

- Bà đánh giá thế nào về vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy quyền trẻ em hiện nay?

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn và cam kết thực hiện Công ước LHQ về Quyền Trẻ em. Việc làm này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ ở các cấp và các cơ quan, tổ chức trên cả nước trong việc tôn trọng quyền trẻ em, trong đó có doanh nghiệp.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy các doanh nghiệp được hưởng lợi, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tốt hơn, giữ được đội ngũ nhân viên khi doanh nghiệp quan tâm đến quyền con người và quyền trẻ em, và có những bước đi cụ thể để đảm bảo rằng trong tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, doanh nghiệp tôn trọng quyền trẻ em, không làm tổn hại đến trẻ em, tạo ra việc làm bền vững cho thanh niên, và tìm tòi những sản phẩm và dịch vụ an toàn đối với trẻ em.

- Xin bà cho biết, việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Có nhiều lợi ích đem lại cho doanh nghiệp ở các mức độ khác nhau. Thứ nhất, mọi công ty, doanh nghiệp đều phụ thuộc vào lực lượng nhân lực trẻ tuôi, mạnh mẽ, năng động, bởi vì lực lượng trẻ chính là doanh nhân, người kiến tạo của tương lai. Những công ty, doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ quyền trẻ em, hỗ trợ cha mẹ trong nuôi con, chúng ta có thể thấy được lợi ích đem lại cho công ty, doanh nghiệp đó. Công ty, doanh nghiệp đó được tôn trọng.

Thứ hai, Chính phủ các quốc gia sẽ không bị yêu cầu giải trình trách nhiệm trước Ủy ban Công ước LHQ về hoạt động của doanh nghiệp không tôn trọng quyền trẻ em.

Thứ ba, đối với người lao động, đặc biệt là những người lao động trong nghành dệt may và da giầy ở Việt Nam, chủ yếu là nữ, họ có trách nhiệm cả với gia đình và công việc, nếu doanh nghiệp quan tâm đến đời sống của người lao động, của con em người lao động, thì nhân viên của doanh nghiệp đó càng cảm thấy được động viên, khuyến khích, có động lực, năng suất cao hơn. Và ngược lại, điều kiện làm việc không được hỗ trợ khiến họ dễ từ bỏ những nghành nghề đó.

Thứ tư, người tiêu dùng ngày càng trở nên thông thái hơn, người trẻ tuổi cũng vậy, nếu những công ty vi phạm quyền con người, họ sẽ quay lưng lại với những công ty này. Người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với các sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Các công ty, doanh nghiệp cần hiểu rằng nếu họ không tôn trọng quyền trẻ em trong toàn bộ chuỗi cung ứng và không có trách nhiệm giải trình với trẻ em, thì công ty và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những bất lợi ví dụ như người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với những sản phẩm của doanh nghiệp đó.

 - Vậy trên thực tế, việc thúc đẩy thực hiện Bình luận chung số 16 tại các quốc gia Châu Á hiện nay như thế nào, thưa bà?

Có rất nhiều ví dụ về những hoạt động của doanh nghiệp ở Châu Á và ở Việt Nam thể hiện doanh nghiệp nhận thức và công nhận trách nhiệm với trẻ em, và có những bước đi cụ thể để thay đổi các hoạt động kinh doanh, thay đổi môi trường nơi làm việc theo hướng thân thiện hơn và hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em.

Ở Campuchia, những doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nghỉ việc cao đã đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng các cơ sở trông trẻ và chăm sóc trẻ cho công nhân để công nhân có thể yên tâm làm việc và con cái họ được an toàn.

Ở Philippines, Chính phủ nhận thấy có rất nhiều nhà cung ứng nước chưa đạt tiêu chuẩn và hoạt động trôi nổi, sử dụng lao động trẻ em, vi phạm quyền con người. Chính phủ vào cuộc, đưa ra các quy định và quy hoạch những nhà cung ứng nước này vào các hoạt động kinh tế chính thống, để có thể kiểm tra và theo dõi sát sao hơn việc tôn trọng quyền trẻ em trong hoạt động của những doanh nghiệp này.

Các doanh nghiệp trên các quốc gia châu Á đều đang nỗ lực thực hiện Công ước LHQ về quyền trẻ em theo những cách khác nhau. Những công ty, doanh nghiệp không tôn trọng quyền trẻ em, đang phải trả giá đắt. Nếu người tiêu dùng phát hiện có vấn đề lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng của công ty hoặc doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ quay lưng lại và tẩy chay sản phẩm của công ty, doanh nghiệp đó

- Vậy bà đánh giá thế nào về vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh?

Công ước LHQ về quyền trẻ em và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có ảnh hưởng đến các hoạt động của doanh nghiệp theo hướng tôn trọng quyền con người và quyền trẻ em.

Đặc biệt, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ tất cả mọi người, đặc biệt là doanh nghiệp, không chỉ cần nhận thức về tầm quan trọng trong việc kiến tạo những cơ hội phát triển an toàn và bền vững mà doanh nghiệp phải có các chương trình trách nhiệm xã hội góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Đáng chú ý, VCCI đóng vai trò quan trọng với số lượng rất lớn doanh nghiệp trên cả nước là thành viên. VCCI hỗ trợ mạng lưới các doanh nghiệp, xúc tiến, định hướng các công ty, doanh nghiệp, để các hoạt động của doanh nghiệp hướng tới tinh thần của Công ước LHQ, các mục tiêu phát triển bền vững, và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.

VCCI đã có vai trò gắn kết quan trọng, góp phần biến những tiêu chuẩn và mong đợi của Chính phủ thành những bước đi cụ thể của khối tư nhân. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp với nhau, các cơ quan Chính phủ và xã hội dân sự. Những mối quan hệ đối tác và mạng lưới như vậy có sức mạnh to lớn.

Qua dự án hợp tác giữa UNICEF Việt Nam và VCCI về thúc đẩy Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh (CRBP) trong các doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng cường kiến thức, năng lực và cam kết của các doanh nghiệp có tác động cao đến trẻ em để tôn trọng và hỗ trợ Quyền trẻ em. 

- Xin chân thành cảm ơn bà!

Anh Trà