CPV hỗ trợ khẩn cấp nửa triệu khẩu trang y tế đến Đà Nẵng
Hơn nửa triệu khẩu trang y tế của CPV sẽ được chuyển khẩn cấp đến Đà Nẵng để trao tặng miễn phí cho người dân thông qua Hội Liên hiệp thanh niên và Hội thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng.
Chiều ngày 26/7, tại Hà Nội Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch TW Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, GS. TS Trần Văn Thuấn trong cuộc gặp mặt công bố chương trình hỗ trợ y tế cộng đồng cho biết, ngay sau khi có thông tin về ca lây nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng, mặc dù các cơ quan ban ngành đã thiết lập quy trình kiểm soát chặc chẽ nhưng tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế đã bắt đầu xuất hiện. Việc hỗ trợ khẩn cấp khẩu trang y tế sẽ giúp Đà Nẵng tổ chức phòng chống dịch bệnh được tốt hơn, đặc biệt góp phần giảm thiểu khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Bà Lê Nhật Thùy, Chủ tịch Qũy hỗ trợ từ thiện C.P Việt Nam cho biết, số khẩu trang hỗ trợ khẩn cấp cho Đà Nằng lần này nằm trong dự án “Khẩu trang Nhân ái” mà Tập đoàn C.P đã triển khai từ tháng 3/2020 kéo dài từ Thái Lan đến Việt Nam và các nước trong khu vực.
Theo đó khi dịch COVID- 19 vừa bắt đầu bùng phát, C.P Group tại Thái Lan với mạng lưới toàn cầu của mình đã cho xây dựng khẩn cấp 1 nhà máy sản xuất khẩu trang hiện đại với công suất 3 triệu chiếc mỗi tháng, nhằm cung cấp miễn phí cho toàn bộ nhân viên y tế làm nhiệm vụ và những người dân khó khăn.
"Tại Việt Nam, quá trình xây dựng nhà máy sản xuất khẩu trang được gấp rút triển khai trong hơn 8 tuần, nhà máy bắt đầu sản xuất từ ngày 15/7 vừa qua và dự kiến sẽ tiến hành trao tặng 8 triệu chiếc khẩu trang cho các y bác sỹ, chiến sỹ làm nhiệm vụ phòng chống dịch, đặc biệt một lượng lớn cũng sẽ được chuyển đến kiều bào khó khăn đang sinh sống tại các vùng dịch diễn biến phức tạp”, bà Thùy cho biết.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 để đưa ra các biện pháp chống dịch trong bối cảnh Việt Nam có ca bệnh số 416. Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu chấn chỉnh nghiêm khắc tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, đề nghị Đà Nẵng dồn toàn bộ nguồn lực để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, trong đó tiến hành cách ly, truy vết và khoanh vùng nghiêm ngặt các ổ dịch, đảm bảo ổn định nguồn cung các sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ người dân và công tác phòng, chống dịch tránh gây tâm lý hoang mang.
Bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày Việt Nam không có ca nhiễm bệnh.
Sáng nay, 26/7 Đà Nẵng tiếp tục phát hiện ca lây nhiễm thứ 2. Nam bệnh nhân 61 tuổi trú quận Hải Châu là cán bộ hưu trí, không ra khỏi Đà Nẵng song từng đến nhiều bệnh viện.