Australia: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ hệ thống xử lý nước sau lũ
Hiệp hội Tài nguyên nước Australia đã giúp Việt Nam triển khai các giải pháp xử lý nước tiên tiến, cung cấp 150.000 lít nước uống an toàn mỗi ngày cho khoảng 75.000 người dân tại vùng chịu lũ lụt.
Theo đó, Hiệp hội này cùng với các công ty và tổ chức đã triển khai lắp đặt nhiều hệ thống xử lý nước ở các khu dân cư chịu ảnh hưởng nặng nhất do bão lũ tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Lắp đặt nhiều hệ thống xử lý nước ở các khu dân cư
Các tỉnh miền Trung vẫn còn hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt do các công trình cấp nước bị hư hỏng bởi các trận lũ vừa qua, chưa thể khắc phục. Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Tài nguyên nước Australia cùng với các công ty và tổ chức đã triển khai lắp đặt nhiều hệ thống xử lý nước ở các khu dân cư chịu ảnh hưởng nặng nhất do bão lũ.
Tổng giá hỗ trợ cho công tác chuyển giao công nghệ, xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước do các đối tác tư nhân của Hiệp hội và các công ty cấp nước Việt Nam cung cấp đã lên đến 300.000 đô-la Úc. Các hệ thống xử lý nước sạch với công nghệ màng lọc và khử trùng được lắp đặt tại các trường học và các tòa nhà cộng đồng ở huyện A Lưới, Nam Đông, Triệu Phong và Hải Lăng.
Hoan nghênh sáng kiến hợp tác này, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu: “Những trận cháy rừng diễn ra đầu năm nay đã tàn phá nhiều vùng của Australia. Trong thời gian đó, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ quý báu và hào hiệp của người dân Việt Nam. Tôi rất vui khi được chứng kiến sự tương hỗ từ phía Australia ở thời điểm Việt Nam cần sự hỗ trợ trong vấn đề nước sạch. Sáng kiến này thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, đồng thời thể hiện mối quan hệ nồng ấm giữa nhân dân hai nước.”
Với trên 5.000 thành viên cá nhân và doanh nghiệp, Hiệp hội Tài nguyên nước Australia là mạng lưới tài nguyên nước lớn nhất, góp phần thúc đẩy và dẫn dắt một tương lai bền vững cho tài nguyên nước của Australia.
Xử lý vệ sinh môi trường, nguồn nước cho sinh hoạt sau lũ.
Trong báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, chính phủ cho biết bão lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỷ đồng, làm 235 người chết và mất tích, hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở …
Chính phủ khẳng định đang triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm tập trung cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau bão, lũ để sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân. Đồng thời, tập trung xử lý vệ sinh môi trường, nhất là nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Theo đó là nghiên cứu, đánh giá cụ thể và rà soát xây dựng lại các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, nhất là việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở… đảm bảo phù hợp, an toàn trước thiên tai.
Trong đó chú trọng đầu tư cho các công trình hạ tầng phòng chống thiên tai thiết yếu, cấp bách, các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, dân sinh gắn với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở.
Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự phòng ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.