“Hạt nhân” phát triển kinh tế vùng Tây Bắc

Thùy linh thực hiện 26/09/2018 15:09

"Những năm gần đây, Tuyên Quang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng Tỉnh trở thành một trong những “hạt nhân” phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc"

Đó là khẳng định của ông PHẠM MINH HUẤN - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng trong cuộc trao đổi cùng DĐDN.

Ông Huấn nhấn mạnh: Để thu hút các nhà đầu tư, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cam kết thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại và nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

- Nhưng việc giảm thiểu thủ tục hành chính cũng mới chỉ là “phần ngọn” để hút đầu tư, thưa ông?

Ngay sau khi các Nghị quyết 19 của Chính phủ được ban hành hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đồng hành cùng doanh nghiệp, gắn với thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, cơ quan có liên quan và UBND huyện, thành phố; trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện. Đặc biệt tỉnh chủ trương giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông, thực hiện tốt cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Thành lập các Trung tâm hành chính công tại thành phố Tuyên Quang, huyện Chiêm Hóa, Sơn Dương và tới đây sẽ triển khai mô hình này tại tất cả các huyện còn lại trong toàn tỉnh góp phần cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Kết quả PCI năm 2017 của tỉnh vừa qua do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Tuyên Quang tăng 6 bậc, từ vị trí 45 năm 2016 lên vị trí 39 năm 2017.

Ngoài việc giảm thiểu thủ tục hành chính, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 06/CT-UBND ngày 28/6/2016. Qua đó, tăng cường công tác đối thoại để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất. Và đây cũng được coi là nhân tố quan trọng để Tuyên Quang trở thành một hiện tượng trong xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Những hành động thiết thực và cụ thể này đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của cả bộ máy lãnh đạo của tỉnh, thể hiện rõ quyết tâm: Kiến tạo, hành động, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Kết quả đến nay, Tuyên Quang đã mời gọi được các nhà đầu tư lớn thực hiện dự án tại tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế của tỉnh như: Tập đoàn Dabaco đầu tư thực hiện dự án tổ hợp sản xuất giống gia súc, gia cầm; Công ty Cổ phần Woodsland đầu tư thực hiện Dự án cụm công nghiệp chế biến gỗ Tuyên Quang; Tập đoàn Vingroup đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang… Ngoài ra, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Sungroup nghiên cứu khảo sát môi trường đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng...

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao PCI?

Là tỉnh không có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm…

p/Thành phố Tuyên Quang. Ảnh: VH.

Thành phố Tuyên Quang. Ảnh: VH.

Một trong những điểm sáng trong công cuộc cải cách, quyết tâm thăng hạng của tỉnh là sự ra đời và hoạt động của Chương trình Cà phê doanh nhân. Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức 15 kỳ “cà phê doanh nhân” với nhiều chủ đề phong phú và 02 Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp. Tại tất cả các cuộc gặp mặt này, đều có sự đồng hành của các lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương. Những vướng mắc của các doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thậm chí có những việc chưa được giải quyết ở cơ quan thì ngay tại Cà phê doanh nhân có thể giải quyết nhờ có sự chia sẻ hiểu biết lẫn nhau. Chương trình không chỉ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, còn giúp các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp bàn chiến lược phát triển. Sự lan tỏa của Cà phê doanh nhân đã một phần làm thay đổi tư duy giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp.

Đặc biệt, UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI) và khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành trong tỉnh (có sự cố vấn, tham gia góp ý kiến của Ban Chỉ đạo (PCI)).

- Vậy thời gian tới Tuyên Quang chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực gì?

Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế tỉnh đã lựa chọn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào 3 khâu đột phá, đó là: Lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Với thế mạnh diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn, được quy hoạch và triển khai thực hiện thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè nguyên liệu 9.000 ha, vùng mía nguyên liệu trên 15.150 ha, vùng cam 8.500 ha, vùng nguyên liệu giấy 130.000 ha, vùng lạc 4.200 ha, vùng trồng rau 8.000 ha... Ngoài ra, Tuyên Quang có nhiều sông, hồ, suối lớn là nguồn nuôi trồng thủy sản, nhất là các loài cá đặc sản như dầm xanh, chiên bỗng, lăng... tạo điều kiện để phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Với lợi thế du lịch, Tuyên Quang có 546 điểm di tích lịch sử, văn hóa; có 22 dân tộc cùng chung sống, là nơi hội tụ và giao thoa của những sắc thái văn hóa của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc với những lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; có nguồn suối khoáng nóng Mỹ Lâm nổi tiếng về giá trị chữa bệnh và nghỉ dưỡng với nhiệt độ 690 C; có Khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình đang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; nhiều hang động, các khu rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý và muông thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ của thế giới...

Xác định được thế mạnh để tạo thành thế chân kiềng, đó là: Nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp hỗ trợ và du lịch … Căn cứ vào lợi thế vùng nguyên liệu, giao thông và lao động. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tuyên Quang đến năm 2020, tỉnh sẽ có 7 khu, cụm công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Long Bình An, Khu công nghiệp Sơn Nam; Cụm công nghiệp: An Thịnh huyện Chiêm Hóa, Khuôn Phươn huyện Na Hang, Thắng Quân huyện Yên Sơn, Thổ Bình huyện Lâm Bình, Tân Thành huyện Hàm Yên.

- Xin cảm ơn ông.

Thùy linh thực hiện