Minh bạch thủ tục đất đai

Hồng Minh 26/09/2018 15:26

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Chiến – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tuyên Quang về công tác tiếp cận đất đai đối với các doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

- Cải cách hành chính, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư tại Tuyên Quang được Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai ra sao, thưa ông?

Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tập trung, rà soát 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực của ngành, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền cắt giảm TTHC không cần thiết, bãi bỏ nội dung không còn phù hợp với hệ thống pháp luật đất đai. Hiện nay, theo Quyết định số 2555/QĐ-BTNMT của Bộ TNMT về việc công bố TTHC mới ban hành sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đất đai chỉ còn 48 thủ tục. Trong đó, so với bộ TTHC cũ thì thời gian thực hiện một số TTHC về đất đai mới đã được cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian.

Hàng năm, Sở TNMT đã tiếp nhận và giải quyết trên 27.000 hồ sơ, trong đó lĩnh vực đất đai trên 15.000 hồ sơ. Toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận tại bộ phận một cửa và được giải quyết đúng quy định, đảm bảo rút ngắn từ 30-80% thời gian giải quyết TTHC theo quy định. Trong đó, trên 60% hồ sơ tiếp nhận hoàn thành trả trước thời gian quy định, nhiều hồ sơ giải quyết trong ngày.

- Để rút ngắn thời gian giải quyết các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, không thể không nhắc đến việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, thưa ông?

Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chỉ đạo của UBND tỉnh về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Sở TNMT đã tập trung, triển khai có hiệu quả việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động của ngành, qua đó đã phát huy hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.

Cụ thể, ngành đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản trong điều hành nhiệm vụ của cơ quan, liên thông ở ba cấp; xây dựng và thực hiện hiệu quả phần mềm hệ thống một cửa điện tử, trong đó đã đưa toàn bộ 82 TTHC của cơ quan ở mức độ 2 và thực hiện cung cấp 13 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 theo Quyết định 156/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của UBND tỉnh.

p/Toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận tại bộ phận một cửa và được giải quyết đúng quy định, đảm bảo rút ngắn từ 30-80% thời gian

Toàn bộ hồ sơ đã tiếp nhận tại bộ phận một cửa và được giải quyết đúng quy định, đảm bảo rút ngắn từ 30-80% thời gian

Có thể nói, việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của ngành thời gian qua đã góp phần quan trọng trong giải quyết các hồ sơ với thời gian nhanh nhất, qua đó phát huy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chỉ số PCI.

- Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Tuyên Quang đã có sự bứt phá trong 3 năm trở lại đây. Điều gì đã giúp Tuyên Quang có sự bứt phá như vậy, thưa ông?

Trước hết, toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được cập nhật, niêm yết công khai kịp thời, đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; Công bố công khai hướng dẫn quy định thủ tục hành chính, hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảng giá các loại đất; quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê... trên Trang thông tin điện tử của Sở, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát.

Bên cạnh đó, Sở TNMT cũng đã chỉ đạo thành lập và công khai đường dây nóng của cơ quan tại Thông báo số 821/TB-STNMT ngày 11/7/2016, công bố số điện thoại của người đứng đầu cơ quan giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, xây dựng hòm thư góp ý, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan.

Với những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để củng cố niềm tin về đầu tư, kinh doanh; nâng cao các Chỉ số thành phần liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành trong đó chỉ số tiếp cận đất đai đã có chuyển biến tích cực tăng từ 6.07 điểm lên 6.25 điểm.

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Minh