Đột phá thu hút đầu tư
Những đổi mới, cải thiện thực chất về môi trường đầu tư kinh doanh đã mang lại hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi thời gian gần đây với hàng loạt các dự án lớn.
Những đổi mới, cải thiện thực chất về môi trường đầu tư kinh doanh đã mang lại hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi thời gian gần đây với hàng loạt các dự án lớn.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 của Quảng Ngãi xếp thứ hạng 25/63 tỉnh thành, với tổng số điểm đạt được 61,12 điểm, tăng 2,88 điểm. Tuy chỉ tăng 1 bậc so với năm trước, nhưng kết quả trên cho thấy nỗ lực vượt trội trong cải cách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tính năng động của lãnh đạo, khả năng tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức của Quảng Ngãi có xu hướng được cải thiện tích cực, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính đang có nhiều chuyển biến.
Khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP
Minh chứng rõ nét, trong năm 2017, tổng số dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 441 dự án trong nước và 48 dự án FDI. Trong đó, tổng vốn đăng ký thực hiện đối với dự án đầu tư trong nước đạt 185.580,197 tỷ đồng, vốn đã thực hiện giải ngân đến 31/12/2017 là 105.687,37 tỷ đồng, chiếm 56,95% so với tổng vốn đăng ký thực hiện. Riêng đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 48 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký thực hiện 1,419 tỷ USD, vốn đã thực hiện giải ngân khoảng 549 triệu USD, chiếm tỷ lệ khoảng 38,7%.
Chỉ tính riêng năm 2017, tỉnh đã cấp phép mới cho 14 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 295 triệu USD, tăng 192 triệu USD so với năm 2016. Tỉnh thu hút đầu tư trong nước 102 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 71.360 tỷ đồng, tăng 15,7 lần so với năm 2016. Có gần 700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 13.515 tỷ đồng, tăng 13% về số doanh nghiệp và tăng 3,4 lần về số vốn đăng ký so với năm 2016.
Theo ông Ngô Văn Trọng, các chủ trương chính sách lớn của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, hay PCI đã truyền cảm hứng, tạo áp lực cải cách đổi mới mạnh mẽ xuống địa phương và chuyển hoá thành các hành động cụ thể và mang lại hiệu quả thiết thực. “Kỳ vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sự đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư cũng như tăng cường chất lượng điều hành của các cấp chính quyền rất lớn, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn”, ông Ngô Văn Trọng nhấn mạnh.
Tỉnh Quảng Ngãi cần tiếp tục triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2018. Đây là năm đầu tiên tỉnh thực hiện vấn đề này, nên cần phải thực chất, tạo môi trường mới.
Chính vì vậy, trên cơ sở xác định các tiềm năng, lợi thế, ngay từ năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2017-2020. Đây được coi là kim chỉ nam trong hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư. Trong đó, đối với khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2017 - 2020 khoảng từ 2,5 - 3,5 tỷ USD. Đối với địa bàn khác (ngoài KKT Dung Quất và các KCN tỉnh), thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 15.000 tỷ đồng (khoảng 750 triệu USD).
Ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho biết: Năm 2018, Quảng Ngãi sẽ phối hợp cùng với Cty VSIP Quảng Ngãi tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh nói chung và KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi nói riêng. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, đồng thời có kế hoạch xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực khí, điện khí và công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh cũng xúc tiến mời gọi các dự án phụ trợ phục vụ cho dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, và triển khai Thành phố Giáo dục quốc tế Quảng Ngãi, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn,... Bên cạnh đó, tỉnh tạo quỹ đất sạch để xúc tiến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực khác theo định hướng phát triển chung của tỉnh, và khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện được các mục tiêu trên, ông Ngô Văn trọng cho rằng: Thứ nhất, người đứng đầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các huyện, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.
Thứ hai, Sở tiếp tục tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo định kỳ để tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; thường xuyên đổi mới và thực hiện có hiệu quả Chương trình “Cà phê doanh nhân và Hỗ trợ khởi nghiệp năm 2018”. Các Hiệp hội doanh nghiệp nâng cao vai trò cầu nối, nắm bắt, phản ảnh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đến lãnh đạo tỉnh cũng như hiệu quả trong hoạt động xây dựng, phản biện chính sách, quy định của tỉnh.
Thứ ba, từng sở, ban, ngành, địa phương công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên website của đơn vị mình và gửi tờ rơi cho doanh nghiệp.
Thứ tư, Tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm tạo đòn bảy bứt phá.
Thứ năm, Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và một số dịch vụ ở mức độ 4; đồng thời thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử các sở, ban ngành và địa phương chuyển tải đầy đủ, tổng hợp các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đến doanh nghiệp, để doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ, kịp thời vận dụng,…
Thứ sáu, Sở chủ động, phối hợp với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore....; chủ động gặp gỡ, tiếp cận với một số nhà đầu tư lớn để kêu gọi đầu tư vào tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 của UBND tỉnh.
Đặc biệt, Tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành và cấp huyện (DDCI) năm 2018. Đây là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi thực hiện vấn đề này, do đó trong quá trình triển khai thực hiện cần phải thực chất, tạo môi trường mới.
Với những giải pháp đồng bộ, và thực thi quyết liệt, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ tiếp tục có bước cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Qua đó, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.