Quảng Ngãi: Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
Với quyết tâm tận dụng hết nguồn vốn được phân bổ, Quảng Ngãi đã đề ra nhiều giải pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020
Trong ba quý đầu năm 2020, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi bị tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng ở hầu hết các ngành bị chậm lại. Đồng thời, do phải tuân thủ các biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 nên tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng...
Tốc độ giải ngân chậm
Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Ngãi, năm 2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là 5.876 tỷ đồng. Tính đến ngày 15.9.2020 đã giải ngân hơn 2.140/5.876 tỷ đồng, chỉ đạt 36,4% kế hoạch vốn tỉnh giao, bằng 44% kế hoạch vốn Trung ương giao (bình quân chung cả nước đến cuối tháng 8/2020 giải ngân đạt 47%). Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 1.373/4.036 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân hơn 766/1.838 tỷ đồng, bằng 42% kế hoạch.
Đối với nguồn vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, đến ngày 15/9 giải ngân hơn 298/727 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 118,794 tỷ đồng (đạt 29% kế hoạch) và vốn ngân sách Trung ương là 179,531 tỷ đồng (đạt 56% kế hoạch).
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết, ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua kế hoạch vốn năm 2020, UBND tỉnh đã kịp thời giao vốn cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, công tác giải ngân vẫn còn chậm. Trong đó, đối với vốn ngân sách địa phương, giải ngân chủ yếu tập trung ở các dự án chuyển tiếp; còn vốn ngân sách trung ương, giải ngân chủ yếu thuộc vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. “Giá trị giải ngân từ đầu năm tới nay chưa cao. Nguyên nhân chính là bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn nên cũng ảnh hưởng đến việc giao và giải ngân vốn”, bà Trần Thị Mỹ Ái nói.
Nhiều dự án chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn nhưng tiến độ thực hiện chậm, thậm chí chưa giải ngân như: Kênh tiêu, thoát nước Từ Ty, đoạn qua phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), kế hoạch vốn 27 tỷ đồng; đường nối từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong (50 tỷ đồng); cầu An Phú qua sông Phú Thọ (25 tỷ đồng); khu dân cư phục vụ tái định cư Khu II Đê bao, TP.Quảng Ngãi (20 tỷ đồng).
Một số dự án không có khối lượng để giải ngân, hoặc có khối lượng nhưng chậm lên phiếu giá để thanh toán như Đường Trì Bình - cảng Dung Quất có kế hoạch 50 tỷ đồng, giải ngân 5 tỷ đồng; cầu sông Rin kế hoạch 25,8 tỷ đồng, giải ngân 6,9 tỷ đồng; kè chắn cát cảng Dung Quất (giai đoạn 2) kế hoạch 30 tỷ đồng, giải ngân 3,9 tỷ đồng. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, tiến độ giải ngân chậm.
“Dồn sức” giải ngân
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tăng cường công tác quản lý, giám sát, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kế hoạch.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh thống nhất, kể từ nay đến cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ giao ban định kỳ mỗi tháng 1 lần, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực giao ban 2 tuần/lần; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giao ban 1 tuần/lần; đồng thời, giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả giao ban cho UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Về điều chỉnh vốn, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh vốn trong nội bộ ngành chậm nhất trước 30.9.2020; điều chỉnh vốn trong toàn tỉnh chậm nhất trước 15.10.2020, trình UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cũng thống nhất về nguyên tắc giảm tiền sử dụng đất từ 2.000 tỷ đồng xuống 1.000 tỷ đồng; đồng thời, yêu cầu dừng ngay các dự án bố trí 100% vốn từ quỹ đất để khởi công mới. Ngoài ra, đồng ý về nguyên tắc giao các huyện điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án theo kiến nghị của các huyện; trong đó, lưu ý hạn chế tối đa việc chuyển nguồn vốn sang năm sau.
Đối với các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường phối hợp, có trách nhiệm xử lý những nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành liên quan đến dự án khi chủ đầu tư trình, với tinh thần là trong thời gian sớm nhất có thể. Trong quá trình giải quyết nhiệm vụ của ngành, nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền thì phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo. Trong đó lưu ý, thủ trưởng các sở, ngành nào chậm trễ giải quyết, ảnh hưởng đến việc giải ngân của các dự án thì thủ trưởng đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án triển khai, không làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Có thể bạn quan tâm