Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Kiên Giang: Tạo “sức bật” cho doanh nghiệp
Với vai trò “bệ đỡ” cho doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch (XT ĐT, TM, DL) tỉnh Kiên Giang đã luôn đồng hành, gỡ khó và phục vụ, tạo sức bật cho doanh nghiệp trong tỉnh.
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh khốc liệt ngay tại “sân nhà”, ngoài tạo môi trường kinh doanh “mở” thì vấn đề kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, thị trường, xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp là những yếu tố quyết định sự “thịnh” “suy” của doanh nghiệp. Đây là những vấn đề luôn được lãnh đạo cũng như các cấp các ngành tỉnh Kiên Giang quan tâm. Trong đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch (XT ĐT, TM, DL) tỉnh Kiên Giang đã thể hiện vai trò “bệ đỡ” đối với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chịu nhiều sức ép
Bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm XT ĐT, TM, DL tỉnh Kiên Giang (Trung tâm) cho biết, những tháng đầu năm 2018 hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, chịu sức ép cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng từ các nước khác. Nguyên liệu đầu vào chế biến thủy sản tiếp tục khan hiếm. Năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp hạn chế. Nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục hành chính về đất đai…
Ở lĩnh vực thuỷ sản, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu Kiên Giang bức xúc bởi, hầu hết các lô hàng ngày lên cá từ 17/03/2017 đến nay các doanh nghiệp Kiên Giang chưa làm được bất cứ giấy CC nào để xuất khẩu vì doanh nghiệp không thể làm giấy xác nhận NL thủy sản (SC) theo yêu cầu trong Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT và yêu cầu của Ban quản lý (BQL) Cảng cá Tắc Cậu – Kiên Giang.
Trước những “rào cản” của các doanh nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Du lịch Kiên Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong công tác xuất khẩu, đặc biệt là xử lý tốt mối gắn kết từ khâu quy hoạch sản xuất, tiêu thụ, đàm phán mở rộng thị trường.
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tín dụng, ông Lê Tất Vinh – Quỹ tín dụng thị trấn Hòn Đất chia sẻ, hiện nay có tới 50 – 60% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân gặp nhiều khó khăn việc thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất “bị” ghi là "hộ”. Với giấy chứng nhận ghi như vậy thì doanh nghiệp hay hộ kinh doanh khi đi làm thủ tục vay vốn thì cần phải có mặt tất cả thành viên trong "hộ" đồng ý ký tên.
“Thực tế doanh nghiệp người dân kinh doanh vay ngân hàng tới 80%. Nhiều gia đình kinh doanh muốn vay ngân hàng có con ở nước ngoài hoặc đi làm xa không về ký được. Đối với doanh nghiệp thế chấp vay kinh doanh cũng khó khăn. Ngoài ra, doanh nghiệp đi vay ngân hàng thế chấp đất phải đứng tên cá nhân, hộ gia đình mới vay được chứ đứng tên doanh nghiệp không thể vay” ông Vinh nhìn nhận.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn, ông Vinh kiến nghị nhà nước cần thay đổi cấp phôi sử dụng đất phù hợp theo quy định hiện hành.
Cũng theo ông Vinh, nhu cầu cấp giấy chứng nhận hiện nay chủ yếu phát sinh khi người sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi (lần 2). Theo Luật Đất Đai 2013, khi đăng ký biến động thì cấp đổi giấy CNQSDĐ thuộc thẩm quyền cấp tỉnh khiến việc làm thủ tục mất thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy UBND tỉnh cần xem xét kiến nghị TƯ có cơ chế phân cấp cho cấp huyện như trước đây, để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp.
Gỡ vướng, giúp doanh nghiệp “cất cánh”
Trước những “rào cản” của các doanh nghiệp, bà Thảo bộc bạch, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong công tác xuất khẩu, đặc biệt là xử lý tốt mối gắn kết từ khâu quy hoạch sản xuất, tiêu thụ, đàm phán mở rộng thị trường. Đồng thời, chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng, kết nối cung cầu, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước ưu tiên dùng sản phẩm của nhau, củng cố và phát triển hệ thống phân phối và và thị trường tiêu thụ trong nước, khai thác thị trường nông thôn, hải đảo. Đặc biệt, Trung tâm phối hợp với các Sở ngành, huyện tổ chức thường kỳ đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài kết nối các doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu. Việc liên kết, trao đổi thông tin giữa Trung tâm và các cơ quan Thương vụ Việt Nam góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bản tỉnh.
“Trung tâm triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn và dịch vụ tư vấn đối với doanh nghiệp về phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm và bao bì, xây dựng chiến lược thương hiệu cho sản phẩm chủ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu giá trị cao và bền vững” bà thảo nói.
Mặt khác, Trung tâm cũng đẩy mạnh phương thức mời đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến địa phương làm việc và kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới thị trường thế giới.
Mặt khác, tổ chức các hội chợ quốc tế với quy mô lớn và công tác tổ chức chu đáo giúp gây dựng hình ảnh thương mại Kiên Giang trong mắt đối tác và bạn bè quốc tế. Đồng thời, gắn kết hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các chương trình kết nối doanh nghiệp với kênh phân phối và các chuỗi siêu thị lớn.