Tiền Giang: Tăng cường liên kết vùng
Cùng với những nỗ lực tự thân, trong thời gian tới, du lịch tỉnh Tiền Giang sẽ tăng liên kết vùng và tiểu vùng nhằm đưa ngành "công nghiệp không khói" đi lên vững chắc.
Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Năm 2030 đột phá phát triển toàn diện du lịch
Nghị quyết xác định rõ Tiền Giang nằm ở cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội tụ của ba vùng sinh thái (vùng sinh thái nước ngọt phù sa, sinh thái rừng ngập mặn và vùng sinh thái ngập phèn Đồng Tháp Mười), đã tạo nên những vườn cây trái đặc sản nổi tiếng; còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng với 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 137 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đã được nhiều người biết đến.
Nghị quyết đưa ra mục tiêu chung đến năm 2030 tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang.
Xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch
Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu trên là tỉnh phải xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ban hành cơ chế, chính sách huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch theo hướng cơ cấu lại ngành du lịch; Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; Đa dạng hóa các loại hình đầu tư; tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm lưu niệm, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn và nhân lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển du lịch. Khai thác tốt các nguồn hỗ trợ quốc tế cho du lịch; kêu gọi các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nước ngoài gắn với phát triển du lịch.
Theo quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt có 22 dự án du lịch được mời gọi đầu tư với tổng số vốn 8.360 tỉ đồng, trong đó có một số dự án trọng điểm như: Mở rộng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; khu du lịch sinh thái biển Tân Thành - Hàng Dương; khu nghỉ dưỡng - khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn; khu du lịch sinh thái cồn Ngang…
Hiện tại, Tiền Giang có chương trình liên kết, hợp tác với TP HCM và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Tỉnh còn hợp tác, trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động tại doanh nghiệp và các khu du lịch… Đây được coi là hướng đi “nhất cử lưỡng tiện” vừa giảm áp lực cạnh tranh giữa các địa phương vừa phát huy tối đa các nguồn lực.