Tiềm năng lớn - dư địa mở
Thực thi hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Tiền Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, Tiền Giang thu hút được 18 dự án (07 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.037,7 tỷ đồng, tăng 9 dự án, vốn đầu tư đăng ký gấp 4,47 lần và có 3 dự án đăng ký tăng vốn 212,3 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút được từ các dự án đạt 7.249,8 tỷ đồng, gấp 2,37 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm thực hiện 12.800 tỷ đồng, tăng 4,0% so cùng kỳ, đạt 40,6% kế hoạch năm 2018 (cùng kỳ 2017 đạt 42,3%).
Khai mở tiềm năng
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh với 368 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 2.582,7 tỷ đồng, tăng 31,5% về số doanh nghiệp, đạt 50,4% so kế hoạch và tăng 89% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đầu tư bình quân là 7,0 tỷ đồng/doanh nghiệp (cùng kỳ đạt 5,0 tỷ đồng/doanh nghiệp). Bên cạnh đó, 6 tháng 2018 có 128 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn tăng thêm là 1.335,9 tỷ đồng, tăng 41% về số doanh nghiệp và tăng 179 lần về số vốn so cùng kỳ. Như vậy, hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 4.800 doanh nghiệp đang hoạt động.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 16 hợp tác xã thành lập mới với tổng số thành viên là 762, tổng vốn góp là 28.367 triệu đồng.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết: Để có được kết quả trên, bên cạnh việc phát huy các tiềm năng, lợi thế, trong thời gian qua, tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch với tầm nhìn và chiến lược tốt, từ đó xác định danh mục các dự án để mời gọi đầu tư vào tỉnh, giúp cho doanh nghiệp xác lập kế hoạch đầu tư, kinh doanh hiệu quả ở Tiền Giang.
Năm 2018, Tiền Giang đặt mục tiêu số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 730 doanh nghiệp, tăng 14% so với năm 2017 và tổng số doanh nghiệp hoạt động đến cuối năm 2018 dự kiến đạt trên 4.840 doanh nghiệp.
Chúng tôi tập trung huy động nguồn lực ngân sách và vốn tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng tại tỉnh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án. Nhất là đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị và trung tâm thương mại. Ưu tiên hàng đầu của tỉnh là tạo nhiều diện tích đất được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để cung cấp cho doanh nghiệp. Tiền Giang đặt mục tiêu cải cách hành chính thật tốt và mạnh mẽ để từng bước xây dựng chính quyền năng động, đồng hành, thân thiện, phục vụ doanh nghiệp.
Tỉnh chú trọng duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin kịp thời tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và phổ biến đến doanh nghiệp các quy định mới, một số nội dung cải cách quan trọng liên quan đến môi trường đầu tư; phối hợp với các Sở, ngành để giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung ứng nguồn lao động có trình độ, kỹ năng lao động và tác phong làm việc tốt cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tiền Giang triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, nhất quán các chính sách ưu đãi đầu tư do Trung ương ban hành và tập trung ban hành nhiều chính sách ưu đãi phù hợp với thẩm quyền của tỉnh để phát triển dự án hạ tầng khu– cụm công nghiệp, nhà ở công nhân, dự án xã hội hóa, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Tiền Giang cũng đã thành lập Hội đồng hỗ trợ khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đưa ra các giải pháp vận động chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Chúng tôi triển khai thực hiện Kế hoạch số hóa thông tin, tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch chuẩn hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp năm 2018, đẩy mạnh đăng ký doanh nghiệp qua mạng...
Mục tiêu chiến lược
Với nền tảng đã được thiết lập, tiền Giang đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP - giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016-2020 của tỉnh tăng 8,5-9,5%/năm (cao hơn giai đoạn trước 1,0-2,0%). Đến năm 2020, tổng GRDP đạt khoảng 119-124 nghìn tỷ đồng. Dự kiến tổng thu nội địa của tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 11.000 tỷ đồng và đến năm 2021 khoảng 12.500 tỷ đồng, có thể tự cân đối ngân sách.
Ông Trần Văn Dũng cho rằng: Để đạt được kết quả trên cần nguồn lực đầu tư rất lớn, vì vậy đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh phải tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch hành động của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng cao chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực tranh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc quản lý hộ kinh doanh cá thể; xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch chuẩn hóa dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; triển khai hoạt động của Hội đồng Hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập Quỹ khởi nghiệp. Tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh qua mạng....”- ông Trần Văn Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiền Giang sẽ thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư như: đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng tiện lợi, rút ngắn thời gian giải quyết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục đầu tư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Giáo dục, kiểm tra, giám sát đạo đức công vụ, nhất là đạo đức cán bộ, công chức giải quyết thủ tục liên quan nhà đầu tư, doanh nghiệp, thật sự xem nhà đầu tư, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hướng khả thi nhất về vấn đề đất đai, hạ tầng trên cơ sở phù hợp với nguồn lực, thế mạnh và mục tiêu phát triển của vùng, địa phương để có kế hoạch quảng bá, giới thiệu, mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Xây dựng danh mục dự án đầu tư, mời gọi đầu tư mang tính chất trọng điểm, liên kết trong nội vùng và liên vùng.
“Quyết tâm đổi mới với kế hoạch, chương trình, giải pháp cụ thể, thực thi quyết liệt của bộ máy chính quyền các cấp cùng sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân, những tiềm năng lợi thế to lớn của Tiền Giang sẽ được khai mở, phát huy tạo động lực bứt phá cho kinh tế- xã hội của tỉnh trong những năm tới.”- ông Trần Văn Dũng tin tưởng.