Hướng đi mới cho “công nghiệp không khói” Tiền Giang
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong thời gian tới tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút những nhà đầu tư lớn, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo sự đột biến trong phát triển.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, trong tháng 10/2018, tỉnh Tiền Giang đã đón 156.300 lượt khách du lịch, trong đó có 48.600 lượt khách du lịch quốc tế. Doanh thu dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch đạt 528,9 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch Tuần lễ Văn hóa – Thể thao - Du lịch năm 2019, với chủ đề "Tiền Giang - Điểm đến du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miệt vườn" sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 19-1-2019, địa điểm dự kiến tại Quảng trường trung tâm tỉnh Tiền Giang, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang và một số địa điểm trong nội ô TP. Mỹ Tho. Nội dung hoạt động của tuần lễ gồm: Hội chợ triển lãm thương mại - du lịch; Triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; Biểu diễn đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương, hát bội, ca múa nhạc; liên hoan hiphop; Trưng bày hình ảnh Mỹ Tho xưa và nay; Trưng bày cổ vật quốc gia và các chuyên đề khảo cổ; Triển lãm "Trường Sa, Hoàng Sa - những bằng chứng lịch sử và pháp lý"; Ngày hội sách; Hội thi hoa kiểng; Hội thi tạo hình nghệ thuật bằng trái cây và chưng mâm ngũ quả; Biểu diễn và thi đấu võ cổ truyền; Đua xe đạp tay cầm ngang; Đua thuyền (đò chèo) trên sông; Đi bộ tuần hành quyên góp ủng hộ người nghèo; Thi đấu bida carom 3 băng; Các trò chơi dân gian: bước chân thần tốc, nhảy bao bố, chạy xe đạp chậm, đập niêu, kéo co, đẩy gậy, vật tay; Hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi, thanh niên khởi nghiệp lĩnh vực du lịch, ẩm thực, bánh dân gian… |
Chuyên nghiệp- hiệu quả
Như vậy, 10 tháng qua, Tiền Giang đã đón 1,58 triệu lượt khách du lịch (tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó có 523.000 lượt khách quốc tế (tăng 11,8%). Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch 5.094 tỷ đồng (tăng 14,3% so với cùng kỳ), trong đó doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm 98,3%.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2013 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, các mục tiêu về lượng khách du lịch, cơ sở lưu trú cơ bản đạt. Trong đó, cơ sở lưu trú và nhà hàng phát triển với tốc độ nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Trên thực tế, những năm gần đây, Tiền Giang đã tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp; lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút khách du lịch. Đặc biệc coi trọng phát triển du lich văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác, như du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao...
Bên cạnh đó Tiền Giang cũng chú trọng tới liên kết phát triển du lịch tiểu vùng gắn với không gian văn hóa sông nước, gắn với các giá trị của các nền văn hóa biển và văn hóa lúa nước. Trên cơ sở đó, tỉnh đã phát triển các sản phẩm chủ đạo, bao gồm du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân (homestay), tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Những định hướng phát triển du lịch của tỉnh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế và xã hội.
Cú hích cho du lịch Tiền Giang
Để xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh, trên cơ sở khai thác tối đa các sắc thái riêng của địa phương. Trong thời gian tới Tiền Giang sẽ tập trung khai thác phát triển sản phẩm du lịch chủ yếu ở 4 khu vực chính: Trung tâm TP Mỹ Tho, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước và huyện Gò Công Đông.
Trong đó, Khu vực TP Mỹ Tho,dựa vào lợi thế cảnh quan sông nước, miệt vườn trên cù lao Thới Sơn (cù lao nằm giữa dòng sông Mekong, đặc trưng văn hóa sông nước Nam bộ). Cù lao có diện tích 1.212 ha và cách TP Mỹ Tho 1 km (Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã xác định Thới Sơn là 1 trong 4 khu du lịch quốc gia của vùng đồng bằng sông Cửu Long), phát triển các dịch vụ du lịch đa dạng với sự tham gia của cộng đồng như: du thuyền trên sông Tiền, đi đò chèo trong kênh - rạch nhỏ, nghe đờn ca tài tử, tham gia tát mương bắt cá, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực địa phương,.… gắn tham quan trại rắn Đồng Tâm, di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, chùa Vĩnh Tràng.
Khu vực Cái Bè đã dựa vào tiềm năng nổi trội về điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương (vườn cây ăn trái đặc sản, chợ nổi trên sông, làng nghề, nhà cổ Nam bộ) để khai thác các dịch vụ như: du thuyền trên sông, tham quan chợ nổi, vườn cây ăn trái cây đặc sản, làng nghề truyền thống; đặc biệt là trải nghiệm các giá trị di sản văn hóa trong các ngôi nhà cổ (homestay) ở làng cổ Đông Hòa Hiệp, để tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt truyền thống mang bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam bộ.
Tại huyện Tân Phước, khai thác Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với 107 ha rừng tràm ngập phèn thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, gắn Khu tâm linh "Thiền viện Trúc lâm Chánh giác" với qui mô 30ha. Qua đó, mở ra tuyến du lịch với sản phẩm mới, vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách trong, ngoài nước. Đây sẽ là điểm nhấn mang nét đặc trưng riêng, kết hợp giữa chốn tôn nghiêm thanh tịnh với vùng sinh thái dân dã, thanh bình của vùng rừng ngập nước..
Tiền Giang cũng sẽ phát triển du lịch biển Gò Công, điểm nhấn với Khu du lịch biển Tân Thành. Tỉnh đã đầu tư xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực biển và bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, gắn với các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, các làng nghề truyền thống khu vực Gò Công, tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của du lịch biền đảo vùng ĐBSCL. Ngoài ra, Tiền Giang cũng khai thác các sản phẩm du lịch ở các khu vực khác ven Sông Tiền, nhằm phát triển sản phẩm, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: Nghị quyết 11/NQ-TƯ về phát triển du lịch Tiền Giang, đã thực sự tạo ra một cú hích lớn đối với ngành du lịch. Với mục tiêu phát triển toàn diện du lịch của tỉnh cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững… đến năm 2020, Tiền Giang sẽ đón 2,2 triệu lượt khách, tăng bình quân 8-10%, trong đó trên 900 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 7,3 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%; có ít nhất 290 cơ sở lưu trú, với 7.200 phòng. Cùng với việc phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút những nhà đầu tư lớn, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo sự đột biến trong phát triển…
Du lịch chỉ phát triển khi có sự đồng thuận và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành liên quan, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động hợp tác, phát triển du lịch. Sự chủ động của mỗi địa phương và sự phối hợp thống nhất để triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ là động lực mạnh nhất để phát triển du lịch Tiền Giang theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững.