Mỹ Tho - Thành phố thông minh
UBND tỉnh Tiền Giang chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, giúp cho chính quyền thành phố hoạch định chính sách.
Ông Nguyễn Thành Công, Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho cho biết, việc UBND tỉnh Tiền Giang chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, giúp cho chính quyền thành phố hoạch định chính sách, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thu hút nhà đầu tư và giảm tác động môi trường, phát triển đô thị bền vững.
Năm 2018, thành phố Mỹ Tho đã ban hành kế hoạch và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án. Do là đô thị trung tâm, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật thông tin trong những năm qua được các cấp, các ngành đầu tư khá tốt, hiện có 5 nhà mạng cung cấp đường truyền và các gói tiện ích khác cho người dân. Trong hai năm qua, chính quyền Thành phố đã phát động chuyên đề thi đua ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, các ngành, UBND các phường xã, nhằm khai thác có hiệu quả các phần mềm ứng dụng đã được tỉnh triển khai.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT
Ông Nguyễn Thành Công cho biết, các ứng dụng công nghệ được triển khai trên địa bàn thành phố hiện nay gồm: wifi thông minh và camera thông minh. Ứng dụng wifi thông minh phục vụ du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viễn thông Tiền Giang lắp đặt 37 bộ phát wifi tại các vị trí trung tâm, khu du lịch như: Quảng trường Trung tâm tỉnh; Bảo tàng tỉnh; Bến tàu thủy du lịch; Thới Sơn. Thành phố đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn VNPT tiếp tục triển khai dự án Hệ thống wifi thông minh, Hệ thống camera thông minh. Đồng thời, triển khai gói thầu Bản đồ du lịch, Hệ thống thông tin địa lý, Hệ thống giám sát môi trường và cảnh báo độ mặn, Giao thông thông minh, Y tế thông minh, phối hợp với Công ty Rynan triển khai thí điểm phân bón thông minh trong canh tác lúa.
Việc ứng dụng camera an ninh trên địa bàn thành phố cũng đã thực hiện tại 20 điểm (20 camera) do Công an tỉnh đầu tư. Hiện đã đưa vào khai thác sử dung, phục vụ chuyên môn. Riêng hệ thống camera quan sát tại một số điểm trọng yếu trên địa bàn đã được Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật, Công an thành phố đang phối hợp để triển khai thực hiện các bước tiếp theo, dự kiến trong tháng 4 sẽ lắp đặt. Ngoài ra, Mỹ Tho đang phối hợp Viễn thông Tiền Giang khảo sát xây dựng đề án lắp đặt hệ thống camera quan sát trên phạm vi toàn toàn Thành phố.
“Để triển khai đô thị thông minh cần có nguồn lực đầu tư rất lớn, thành phố đã chủ động đẩy mạnh công tác xã hội hóa, hình thành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong công tác triển khai ứng dụng CNTT để xây dựng thành phố thông minh. Thành phố cũng kiện toàn hệ thống cán bộ và bộ phận chuyên trách CNTT tại UBND thành phố Mỹ Tho đến các xã, phường; tại các đơn vị hình thành các bộ phận chuyên trách về CNTT trực thuộc hoặc bố trí cán bộ CNTT phù hợp với kế hoạch ứng dụng CNTT trong xây dựng đô thị thông minh tại cơ quan mình. Phối hợp các đơn vị đào tạo trong và ngoài tỉnh thu hút nguồn nhân lực CNTT có trình độ và chất lượng cao để cùng hợp tác xây dựng đô thị thông minh.”- ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.
Trung tâm kinh tế năng động
Nhằm xây dựng Mỹ Tho trở thành trung tâm kinh tế năng động của tỉnh và khu vực, theo ông Nguyễn Thành Công: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đạt tiêu chí đô thị thông minh theo Đề án xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh 2017-2020. Trong đó, về phía chính quyền phải đạt được tiêu chí chính quyền điện tử và tiến tới triển khai thực hiện thành công tiêu chí chính quyền số. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo lộ trình đến năm 2020 và đến năm 2030. Thành phố sẽ tập trung phối hợp với 02 huyện Chợ Gạo và Châu Thành triển khai hoàn thành các tiêu chí của Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế đô thị 03 vùng tỉnh Tiền Giang. Cùng với đó, thành phố phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện các tiêu chí của Nghị quyết 11 về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang. Qua đó, giảm dần lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; không phát triển thêm lĩnh vực công nghiệp, khuyến khích đầu tư, đổi mới các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao.
Hiện nay, Mỹ Tho đang tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc cấp phép xây dựng, đất đai… Việc niêm yết công khai thủ tục, trình tự, thời hạn giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố được các ngành và UBND các phường xã tổ chức niêm yết công khai, rõ ràng.
Đối với hộ gia đình, cá nhân, về quy trình trình giải quyết hồ sơ tại phòng Tài nguyên và Môi trường, các thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai được giải quyết đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo trình tự thủ tục và thời gian theo quy định. Kết quả giải quyết 100% hồ sơ đảm bảo đúng hạn, 100% hồ sơ được tiếp nhận, nhập và xử lý trên phần mềm một cửa điện tử, giúp người dân tra cứu, kiểm sóat được quy trình giải quyết của các cơ quan có liên quan.
Thành phố cũng thường xuyên hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đất đai có liên quan như cung cấp thông tin quy họach, kế họach sử dụng đất hàng năm và cập nhật kế họach sử dụng đất hàng năm. Tính đến nay, hệ thống một cửa điện tử thành phố đã cung cấp 411 dịch vụ công trực tuyến (trong đó mức độ 3: 165 thủ tục và mức độ 4: 246 thủ tục) đối với các thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai trong thời gian tới sẽ được nâng cấp và thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.