Công bố doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2018
Lễ Công bố doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam 2018 diễn ra sáng 1/12/2018 tại Hà Nội.
Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp (INBUS) Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức Lễ Công bố doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam 2018.
Toàn cảnh Lễ Công bố doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam 2018.
Chương trình được triển khai trên cơ sở khảo sát, đánh giá 21 tiêu chí liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam với phương pháp đánh giá toàn diện, đảm bảo kết quả chính xác và khách quan.
Kết quả phân tích, đánh giá và xếp hạng là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp nắm được tình hình “sức khoẻ” của mình, qua đó khắc phục hạn chế, triển khai các giải pháp phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Đây cũng là kết quả thẩm định năng lực doanh nghiệp giúp các đối tác, các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông ra quyết định đầu tư hợp lý và hiệu quả.
Tham dự Lễ công bố có: TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Lê Công Điền – Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty Đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước); Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp; PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam; Ông Nguyễn Hữu Đoan – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương; lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, các Hiệp hội địa phương, các doanh nghiệp tổ chức…
Có thể bạn quan tâm
Ba giá trị của Chỉ số năng lực quản trị tài chính
05:36, 01/12/2018
Đo sức khoẻ doanh nghiệp qua Business Indexing
17:00, 30/11/2018
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chỉ còn tròn một tháng nữa năm 2018 khép cửa với nền kinh tế vĩ mô tăng trưởng một cách ổn định và bền vững. Điều này được minh chứng bằng việc 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.
“Như vậy, về kinh tế vĩ mô, chúng ta có tăng trưởng cao, lạm phát tốt… nhìn tổng thể sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam đã tốt hơn”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc
Tuy nhiên ở góc nhìn khác, Chủ tịch VCCI cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, chỉ số thuận lợi trong kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam dù là tiến bộ với chính mình nhưng đang tụt hẳn trong cuộc đua toàn cần.
“Cụ thể, WB đánh giá năng lực cạnh tranh thể chế của Việt Nam tụt 1 hạng, còn Diễn dàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 hạng… Đặc biệt, khoảng cách về năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN ngày càng xa”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch VCC nhận định, sức khoẻ của nền kinh tế đứng từ góc độ năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, nếu chưa muốn nói đang yếu đi so với các đối thủ khác.
“Đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ nghhiêm túc và là yêu cầu cấp thiết làm thế nào để Việt Nam trở thành 1 trong 4 nền kinh tế hàng đầu ASEAN. Hiện, khoảng cách của chúng ta với nền kinh tế đứng thứ 4 trong Asean là 27 bậc. Nhưng chúng ta không có lựa chọn khác. Không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình với chất lượng thể chế trung bình. Chúng ta phải nỗ lực từ những người bình thường trong cuộc đua trở thành người xuất sắc”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đó, trong năng lực cạnh tranh cầu của nền kinh tế thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là chính và là hàn thử biểu cuối cùng của năng lực cạnh tranh nền kinh tế chính là doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh, sức khoẻ doanh nghiệp thể hiện chất lượng thể chế. Trong đó, chỉ số hội tụ, thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là chỉ số tài chính.
TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, hiện gần 60% doanh nghiệp Việt vẫn trong tình trạng kinh doanh không có lãi, không phát sinh thu nhập doanh nghiệp, trong khi thông thường phải là ngược lại. “Điều đó cho thấy bức tranh về tài chính của doanh nghiệp Việt chưa được cải thiện nhiều. Lợi nhuận thấp thì không thể nói doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Được biết, bên cạnh các bộ chỉ số PCI, CSI, thì VCCI có bộ chỉ số đánh giá năng lực quản trị tài chính. “Việc lựa chọn đối tượng để đánh giá trong bộ chỉ là số này là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là phù hợp. Bởi đây là bộ phận ưu tú nhất của thị trường Việt Nam, đây là những doanh nghiệp minh bạch hơn. Vừa hiệu quả vừa minh bạch đó là những doanh nghiệp thường có năng lực, sức khoẻ tốt nhất. Doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chính là hàn thử biểu cho các doanh nghiệp Việt nói chung”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2020 vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 70% GDP, nhưng mục tiêu này đã được cán đích vào cuối năm 2017.
“Đáng chú ý đã có nhiều doanh nghiệp vốn hoá trên 1 tỷ USD, thậm chí có một nhóm doanh nghiệp hàng đầu đã vượt và chạm ngưỡng 10 tỷ USD như PV GAS, Vinamilk, Vietcombank, Vincom...”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết và đánh gía đây là tín hiệu đáng mừng của xu hướng minh bạch hoá của doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong một thước đo khác, tính đến giữa tháng 10/2018, toàn thị trường hiện có 740 doanh nghiệp niêm yết, với giá trị vốn hóa gần 3.400.000 tỷ đồng, nhưng vốn hóa có khả năng chuyển nhượng thì lại chỉ chiếm 1/3. Mà theo giải thích của Sở giao dịch chứng khoán.
“Việc quy mô niêm yết thì lớn, nhưng số cổ phiếu thực có khả năng chuyển nhượng lại nhỏ là do vốn Nhà nước vẫn chiếm quá lớn trong các doanh nghiệp niêm yết lớn, dẫn đến kết quả chung toàn thị trường như vậy”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Chủ tịch VCCI đánh gía bộ chỉ số là sự cố gắng của các cơ quan trong việc đưa ra bộ chỉ số khách quan khoa học về tình hình tài chính của các doanh nghiệp. Nếu ví Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI như hàn thử biểu đo chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam thì Chỉ số đánh giá tài chính, kinh doanh sẽ phản ánh chân thực sức khỏe của doanh nghiệp. Mà nhờ đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm kiếm được những thông số để khiến chính sách ngày một tiệm cận hơn nữa với tốc độ phát triển như vũ bão của môi trường kinh doanh.
Chính vì thế, Chủ tịch VCCI cho biết sẽ định hướng và chỉ đạo các đơn vị tổ chức chương trình mở rộng và đa dạng hóa loại hình khảo sát đánh giá để có cái nhìn thực tế và sát thực hơn đối với năng lực doanh nghiệp với kỳ vọng mọi mặt “sức khỏe” của doanh nghiệp sẽ được phản chiếu qua Chỉ số đánh giá tài chính, kinh doanh. Theo đó, phương pháp luận cần tiếp tục hoàn thiện và Bộ chỉ số nên có từ tiếng anh viết tắt ví dụ Bussines Index (BI).
PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp
Từ năm 2014, trên cơ sở một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp (INBUS) về các doanh nghiệp niêm yết trên các sàn chứng khoán Việt Nam, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã đề xuất ý tưởng về việc lựa chọn các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hằng năm để tôn vinh. Sáng kiến này đã được nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp bằng một Thỏa thuận hợp tác về Chương trình Đánh giá Năng lực Hoạt động Doanh nghiệp giữa Báo DĐDN-Viện INBUS-Hiệp hội Kế toán &Kiểm toán Việt Nam, Hội CNQTDN VN – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, với mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực hoạt động tốt thông qua các chỉ số kinh doanh để ghi nhận, công bố như “tiêu chí so sánh” cho cộng đồng doanh nghiệp, như một nguồn thông tin về ngành các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp cho biết: “Ý tưởng này được kỳ vọng sẽ có những đóng góp cho các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo và cho chính cộng đồng doanh nghiệp bởi những căn cứ khoa học, thời sự và thực tiễn trình bày dưới đây”.
Thứ nhất, về cơ sở khoa học, nghiên cứu về ngành, doanh nghiệp niêm yết bằng chỉ số là một phương pháp được áp dụng rất phổ biến trên thế giới và đã được kiểm chứng về giá trị thực tiễn. Có thể trích ra đây một số ví dụ điển hình, như các Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu GCI của WEF, Báo cáo Chỉ số Năng lực Sáng tạo Toàn cầu GII của INSEAD, hay S&P 500/1000 của McGraw-Hill, Fortune 500của Fortune, VNR 500của VCCI…
Những nghiên cứu quốc tế nêu trên đã trở thành nguồn tài liệu quý giá cho các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, đầu tư, tư vấn phát triển doanh nghiệp ở mọi cấp độ, khu vực, lĩnh vực. Áp dụng phương pháp tương tự, nghiên cứu trong Báo cáo Chỉ số Kinh doanh của INBUS hướng tới việc đánh giá tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua các chỉ số về năng lực hoạt động của doanh nghiệp (KPI), mà chỉ số tài chính doanh nghiệp là một phần trong đó. Những nghiên cứu được tiến hành từ 2013 đến nay với gần 2000 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có khoảng 1300 doanh nghiệp được phân tích hằng năm là một nguồn tư liệu hữu ích cho việc nghiên cứu về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và ngành.
Thứ hai, về giá trị thời sự, trong một nền kinh tế hội nhập, thông tin về mang tính so sánh có ý nghĩa rất quan trọng cho việc hoạch định chiến lược và chính sách ở các cấp độ khác nhau. Mặc dù được khởi xướng từ 1974 và được gọi với tên ban đầu là Diễn đàn Quản lý Châu Âu (EMF), nhưng chỉ khi bước sang thời kỳ toàn cầu hoá, vai trò và Báo cáo Chỉ sốNăng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF mới thực sự được giới khoa học, chính sách của nhiều quốc gia quan tâm. Báo cáo Chỉ số NLST TCGII của INSEAD-WIPO cũng ra đời trong thời kỳ hội nhập quốc tế, năm 2007, và cũng trải qua những năm đầu khó khăn. Đã từ lâu, chỉ số S&P đã trở thành một nguồn thông tin tham chiếu cho nhiều đối tượng khắp nơi trên thế giới. Nghiên cứu về Chỉ số Kinh doanh của INBUS đã được manh nha vào năm 2005, nhưng phải đến 2013 mới được thực hiện.
Thứ ba, về ý nghĩa thực tiễn,doanh nghiệpViệt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.Vai trò và đóng góp của doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác nhau đã được khẳng định và được nhấn mạnh qua NQ 10-TW/NQ về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Việc ban hành Luật Doanh Nghiệp nhỏ và vừa làm một trong những minh chứng cụ thể về “cuộc chơi mới”, “luật chơi mới” với nhiều thuận lợi và thách thức.
“Hỗ trợ phát triển “năng lực người chơi – doanh nghiệp” là một nhiệm vụ và thách thức mà những đơn vị thực hiện Chương trình này mong muốn được đóng góp một phần, trong phạm vi khả năng của mình”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân chia sẻ rõ hơn.
Theo đó, từ những căn cứ khoa học, thực tiễn nêu trên, qua những nghiên cứu được thực hiện liên tục trong 6 năm qua, Ban tổ chức khẳng định tính đúng đắn của hướng đi và đóng góp đầy tiềm năng của Chương trình.
Dẫn chứng cho điều này có thể kể đến 3 kết quả quan trọng đã đạt được sau đây.
Một là, nghiên cứu có thể cho biết một số đặc điểm về tình trạng năng lực hoạt động tài chính ngành thông qua 6 nhóm chỉ số tài chính chủ yếu và sự biến động về năng lực hoạt động tài chính của 32 ngành được xem xét.
Thông tin về ngành có thể cung cấp cho cho các nhà nghiên cứu, phân tích, hoạch định một cái nhìn tổng thể về tình trạng các ngành qua 1 năm, thông qua các chỉ số năng lực tài chính cơ bản. Đó cũng là nguồn tư liệu bổ sung hữu ích cho số liệu thống kê về nền kinh tế, thông qua các ngành.
Hai là, nghiên cứu cho biết tình trạng biến động của từng ngành về số lượng, năng lực hoạt động tài chính của ngành và các doanh nghiệp trong từng ngành.
Những biến động trong ngành được ghi nhận thông qua số lượng và sự thay đổi về tình trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp trong ngành, so sánh giữa hai năm liên tiếp. Những thông tin như những thay đổi về, số lượng doanh nghiệp, danh sách doanh nghiệp đạt các chỉ số tốt nhất trong ngành, tình trạng cải thiện năng lực hoạt động tài chính của các doanh nghiệp trong ngành... là những điểm nhấn trong báo cáo.
Ba là, nghiên cứu cho biết tình trạng hoạt động tài chính của từng doanh nghiệp trong mỗi ngành, hiệu lực của những nỗ lực và các biện pháp quản lý thể hiện qua những thay đổi của 21 chỉ số tài chính cơ bản và vị thế của doanh nghiệp so với các doanh nghiệp niêm yếu trong và khác ngành.
“Những thông tin về doanh nghiệp không chỉ hữu ích đối với doanh nghiệp từ góc nhìn hệ thống, mà còn hữu ích như những “tiêu chí định chuẩn” cho các doanh nghiệp khác trong việc xác định năng lực vốn hóa thị trường, quản lý tài chính, huy động vốn đầu tư, kết nối kinh doanh”, ông Nguyễn Mạnh Quân khẳng định.
Với mong muốn hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phát triển, những kết quả nêu trên, theo Nguyễn Mạnh Quân mới chỉ là một phần đầu tiên trong những nỗ lực của những người thực hiện Chương trình. Theo đó, nghiên cứu vẫn còn những bất cập.
Thứ nhất, phạm vi các đối tượng nghiên cứu mới chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp niêm yết. Thứ hai, việc phân tích mới chỉ thực hiện về các chỉ số năng lực tài chính. Thứ ba, các báo cáo tài chính kiểm toán của doanh nghiệp niêm yết không tập hợp được đầy đủ.
Vì vậy, để khắc phục, Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp đã và đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp phương pháp để có thể cung cấp thông tin đầy đủ về các năng lực quản trị doanh nghiệp thông qua một “Phiếu sức khỏe doanh nghiệp” theo yêu cầu, áp dụng kỹ thuật hiện đại để cho phép mở rộng phạm vi đối tượng doanh nghiệp tham gia cho tất cả mọi đối tượng doanh nghiệp, và sẽ phấn đấu phục vụ phạm vi rộng rãi những nhà nghiên cứu, phân tích, hoạch định, đầu tư, quản lý bằng việc công bố chính thức các kết quả nghiên cứu, các thông tin về ngành và doanh nghiệp theo một nguyên tắc bảo mật đủ để có thể giúp cho doanh nghiệp có thể nhận ra được chính mình trong khi vẫn có thông tin chung về ngành và các doanh nghiệp khác.
TRAO CHỨNG NHẬN CHO TOP 100 DOANH NGHIỆP CÓ CHỈ SỐ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH TỐT NHẤT NĂM 2018
Nhằm tôn vinh và khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực hoạt động tốt trong năm 2017, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối, đầu tư và quảng bá hình ảnh, Ban tổ chức đã công bố và trao chúng nhận cho TOP 100 Doanh nghiệp có chỉ số Quản trị tài chính tốt nhất năm 2018.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Lê Công Điền – Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty Đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) trao chứng nhận cho 32 doanh nghiệp có năng lực Quản trị tài chính tốt nhất trên sàn chứng khoán và đứng đầu của 32 ngành kinh tế.
=>> Xem danh sách Top 32 doanh nghiệp được trao chứng nhận TẠI ĐÂY.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp trao chứng nhận cho 34 doanh nghiệp có chỉ số doanh nghiệp tài chính tốt nằm trong top 100.
Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam trao chứng nhận cho 34 doanh nghiệp có chỉ số doanh nghiệp tài chính tốt nằm trong top 100.
=>> Xem danh sách Top 68 doanh nghiệp được trao chứng nhận TẠI ĐÂY.
Trải qua 5 năm thực hiện, chương trình đã khảo sát, đánh giá hơn 5.000 doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chúng khoán Việt Nam. Hàng năm, Ban tổ chức cũng lựa chọn ra TOP đầu những doanh nghiệp có năng lực quản trị tài chính tốt nhất để vinh danh và trao chứng nhận.
Năm nay, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững và phát triển liên tục, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 12 doanh nghiệp 3 năm liên tiếp có mặt trong Top đầu, có chỉ số tài chính tốt nhất trong giai đoạn 2016 – 20128.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam trao chứng nhận 12 doanh nghiệp 3 năm liên tiếp có mặt trong Top đầu, có chỉ số tài chính tốt nhất trong giai đoạn 2016 – 20128.
=>> Xem danh sách Top 12 doanh nghiệp được trao chứng nhận TẠI ĐÂY.
Phát biểu bế mạc lễ công bố, Nhà Báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã gửi lời chúc mừng tới TOP 100 doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2018, đặc biệt là TOP 12 doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam 3 năm liền.
Bên cạnh đó Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn cũng gửi cám ơn chân thành tới sự chỉ đạo của Ban Lãnh đạo VCCI, Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, sự tham vấn của Uỷ Ban chứng khoán nhà nước từ những ngày đầu năm 2013. Với sự đồng hành của các tổ chức và sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, chương trình sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phát biểu tại lễ công bố
Chia sẻ, một lần nữa về 2 mục tiêu của chương trình đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn cho biết: “Thực hiện tốt 2 mục tiêu. Một là, minh bạch hoá hơn nữa các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm tính hoa trên thị trường chứng khoán như lời của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tich VCCI”.
Theo đó, việc sử dụng kết quả trong 5 năm qua để kết nối các doanh nghiệp trong TOP 100 doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam với các tổ chức, định chế tài chính. Thực tế, đã có một số quỹ, ngân hàng thương mại đã bắt đầu quan tâm và coi đây là chỉ số tham khảo trong các quyết định đầu tư.
Đặc biệt, những kết quả này cũng sẽ là chỉ số quan trọng đối với các cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây được xem là hướng mở rộng nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp từ các nguồn tài chính khác ngoài ngân hàng.
"Việc công bố doanh nghiệp đạt chỉ số năng lực quản trị tài chính tốt trên sàn chứng khoán Việt Nam chúng tôi sẽ tập hợp một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, công tác tham mưu chính sách cho hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thông qua bảng xếp hạng này, Ban tổ chức sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp, mong muốn và đề nghị doanh nghiệp hãy kết nối với Ban tổ chức trao đổi về kết quả đánh giá này. Trên cơ sở đó, đây là những cơ quan đủ uy tín để tham vấn cho doanh nghiệp trong hoạt động quản trị tài chính có nhiều kinh nghiệm". - ông Tuấn cho biết.
Kỳ vọng về sự phát triển của chương trình trong năm tới, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi chương trình. Trước tiên là đối tượng nghiên cứu ra khỏi phạm vi thị trường chứng khoán. Như vậy, cuộc canh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn tuy nhiên sẽ nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.”
Ngoài ra, Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn cũng cho biết, trong năm 2019, Ban tổ chức sẽ tiếp tục mở rộng nhóm chỉ số thứ 2 đó là đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp. Theo đó, Ban tổ chức mong muốn nhận được sự cộng tác của cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục phân tích, đánh giá tình hình sức khoẻ của cộng đồng doanh nghiệp, để phục vụ hoạt động và quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.