BCI - Chỉ số “sức khỏe” doanh nghiệp
Lễ công bố và trao chứng nhận Doanh nghiệp có Năng lực quản trị - Năng lực tài chính tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam được tổ chức vào chiều ngày 23/9/2019 tại Hà Nội.
Chương trình nhận được chỉ đạo của VCCI, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phối hợp tổ chức.
Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp đã thay đổi và áp dụng giải pháp quản trị doanh nghiệp mới để tận dụng tốt cơ hội và giải quyết những thách thức mới đặt ra.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam: Việc đánh giá năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp mang tính định lượng, nhờ đó có thể đưa ra các tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Qua đó, có thể “bắt mạch” và “kê đơn” về tình hình tài chính của doanh nghiệp một cách tương đối chính xác. Năm 2019, Ban tổ chức đánh giá thêm năng lực quản trị doanh nghiệp - yếu tố bao trùm để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số không chỉ là vấn đề về công nghệ - mà đó còn là vấn đề về chiến lược và cách tư duy mới. Bộ công cụ BCI sẽ giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp nhận biết được tương đối chính xác tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp mình để đưa ra các chiến lược phù hợp. TS. Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp (INBUS) - Trường ĐH KD&CN Hà Nội: Hiện nay, việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp không thể tách rời với chuyển đổi số. Thực hiện chuyển đổi số sẽ nâng cao năng lực thực hiện chức năng quản lý bao gồm các năng lực như lập kế hoạch, tổ chức, ủy quyền, điều phối, kiểm soát, đề ra các mục tiêu, thiết lập các hệ thống, thực hiện các quy chế, quy định, và vận hành các quy trình thủ tục. Chuyển đổi số cho phép các CEO có thể tiếp cận các báo cáo về mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có các chi phí ẩn xuất phát từ các hoạt động doanh nghiệp rất lớn để có giải pháp cắt giảm và đây chính là khoản thu lợi được từ việc đầu tư chuyển đổi số. |
Ứng dụng công nghệ trong kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp
Từ năm 2013, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam phối hợp triển khai Chương trình: “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp” (BCI).
Chương trình được triển khai thường niên trên cơ sở khảo sát, đánh giá 21 tiêu chí tài chính liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam thuộc 30 lĩnh vực kinh tế thông qua Báo cáo tài chính hàng năm với phương pháp đánh giá toàn diện, ứng dụng công nghệ nhằm đảm bảo kết quả chính xác và khách quan.
“Việc lựa chọn đối tượng để đánh giá trong bộ chỉ là số này là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là phù hợp. Bởi đây là bộ phận ưu tú nhất của thị trường Việt Nam, đây là những doanh nghiệp minh bạch hơn. Vừa hiệu quả vừa minh bạch đó là những doanh nghiệp thường có năng lực, sức khoẻ tốt nhất. Doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chính là hàn thử biểu cho các doanh nghiệp Việt nói chung”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bộ chỉ số này có tính khách quan, khoa học về khả năng quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính của các doanh nghiệp. Nếu ví Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI như hàn thử biểu đo chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam thì Chỉ số đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp phản ánh chân thực sức khỏe của doanh nghiệp. Mà nhờ đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm kiếm được những thông số để điều chỉnh chính sách ngày một tiệm cận hơn nữa với tốc độ phát triển như vũ bão của môi trường kinh doanh.
Lễ công bố và trao chứng nhận Doanh nghiệp có Năng lực quản trị - Năng lực tài chính tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam sẽ được tổ chức vào chiều ngày 23/9/2019 tại Hà Nội.
Chính vì thế, Chủ tịch VCCI cho biết, sẽ định hướng và chỉ đạo các đơn vị tổ chức chương trình mở rộng và đa dạng hóa loại hình khảo sát đánh giá để có cái nhìn thực tế và sát thực hơn đối với năng lực doanh nghiệp với kỳ vọng mọi mặt “sức khỏe” của doanh nghiệp sẽ được phản chiếu qua bộ chỉ số BCI.
Có thể bạn quan tâm
Quản trị doanh nghiệp: Cân bằng giữa bao quát và chi tiết
07:56, 20/08/2019
Khó khăn và xung đột trong quản trị doanh nghiệp gia đình
04:28, 12/08/2019
Các chức năng cơ bản của quản trị doanh nghiệp
04:06, 21/07/2019
Bốn căn bệnh về quản trị doanh nghiệp Việt Nam
04:56, 20/07/2019
Giá trị của bộ công cụ BCI
Với mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực hoạt động tốt thông qua các chỉ số kinh doanh để ghi nhận, công bố như “tiêu chí so sánh” cho cộng đồng doanh nghiệp, là một nguồn thông tin về ngành cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp cho biết: “Ý tưởng này được kỳ vọng sẽ có những đóng góp cho các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cơ sở đào tạo và cho chính cộng đồng doanh nghiệp bởi những căn cứ khoa học, thời sự và thực tiễn”.
Thứ nhất, về cơ sở khoa học, nghiên cứu về ngành, doanh nghiệp niêm yết bằng chỉ số là một phương pháp được áp dụng rất phổ biến trên thế giới và đã được kiểm chứng về giá trị thực tiễn. Có thể trích ra đây một số ví dụ điển hình, như các Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu GCI của WEF, Báo cáo Chỉ số Năng lực Sáng tạo Toàn cầu GII của INSEAD, hay S&P 500/1000 của McGraw-Hill, Fortune 500của Fortune, VNR 500của VCCI…
Những nghiên cứu quốc tế nêu trên đã trở thành nguồn tài liệu quý giá cho các nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, đầu tư, tư vấn phát triển doanh nghiệp ở mọi cấp độ, khu vực, lĩnh vực.
Áp dụng phương pháp tương tự, nghiên cứu trong Báo cáo Chỉ số Kinh doanh của INBUS hướng tới việc đánh giá tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua các chỉ số về năng lực hoạt động của doanh nghiệp (KPI), mà chỉ số tài chính doanh nghiệp là một phần trong đó.
Những nghiên cứu được tiến hành từ 2013 đến nay với gần 5000 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có khoảng 1.500 doanh nghiệp được phân tích hằng năm là một nguồn tư liệu hữu ích cho việc nghiên cứu về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và ngành.
Thứ hai, về giá trị thời sự, trong một nền kinh tế hội nhập, thông tin về mang tính so sánh có ý nghĩa rất quan trọng cho việc hoạch định chiến lược và chính sách ở các cấp độ khác nhau.
Thứ ba, về ý nghĩa thực tiễn, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Vai trò và đóng góp của doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác nhau đã được khẳng định và được nhấn mạnh qua NQ 10-TW/NQ về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Việc ban hành Luật Doanh Nghiệp nhỏ và vừa làm một trong những minh chứng cụ thể về “cuộc chơi mới”, “luật chơi mới” với nhiều thuận lợi và thách thức.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân: “Những thông tin về doanh nghiệp không chỉ hữu ích đối với doanh nghiệp từ góc nhìn hệ thống, mà còn hữu ích như những “tiêu chí định chuẩn” cho các doanh nghiệp khác trong việc xác định năng lực vốn hóa thị trường, quản lý tài chính, huy động vốn đầu tư, kết nối kinh doanh”.
Đặc biệt, những kết quả này cũng sẽ là chỉ số quan trọng đối với các cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây được xem là hướng mở rộng nguồn vốn cho hoạt động của doanh nghiệp từ các nguồn tài chính khác ngoài ngân hàng.
Theo Ban tổ chức, thông qua bảng xếp hạng này, Ban tổ chức sẵn sàng kết nối với các doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp hãy chủ động kết nối với Ban tổ chức để trao đổi về kết quả đánh giá này. Qua đây các chuyên gia sẽ tham vấn cho các doanh nghiệp trong hoạt động quản trị tài chinh, quản trị doan nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới.