TS Vũ Tiến Lộc: “Chuyển đổi số là cơ hội cho chúng ta”
Đây là khẳng định của Chủ tịch VCCI tại Lễ công bố và trao chứng nhận Doanh nghiệp có Năng lực quản trị - Năng lực tài chính tốt nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Diễn đàn được tổ chức vào chiều nay (23/9/2019) tại Hà Nội.
Thách thức bẫy thu nhập trung bình
Tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian gần đây chúng ta có rất nhiều hội thảo, đầu tháng 9/2019 là Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2019, tuần vừa qua là Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển lần thứ Hai năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động”, xa hơn 1 tháng trước là Hội nghị cải thiện năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng đã phát động phong trào “năng suất lao động quốc gia”.
“Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XII của Đảng và các buổi hội thảo này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ và tổng quan về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh
Chủ tịch VCCI cho biết, năm nay là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Trong 30 năm đổi mới Việt Nam đã thực hiện được 2 trong 3 thành tựu theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành tựu đầu tiên là Việt Nam đã giành chiến thắng vĩ đại Mùa Xuân 1975 Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Và thành tựu thứ 2 là Việt Nam đã thoát nghèo”, Chủ tịch VCCI cho biết.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước vào năm 2045, Việt Nam phấn đầu có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.
"Tuy nhiên, để làm được điều này, Việt Nam phải tiến hành cải cách lần 2. Tôi hi vọng, Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ cổ vũ cho công cuộc cải cách lần 2 này bởi hơn 30 năm qua chúng ta đã hoàn thành chặng đường cởi trói và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là thúc đẩy cho sự phát triển của doanh nghiệp", TS Vũ Tiến Lộc nói.
Theo Chủ tịch VCCI, hiện nay Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình.
“Chúng ta chỉ vượt qua điều này nếu thoát khỏi chất lượng thể chế kinh tế ở trung bình. Theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới thì chất lượng thể chế của Việt Nam mới ở mức trung bình, xếp thứ 70/190 quốc gia; còn ở Asean thì ở mức 5 hay mức 6 về chất lượng thể chế”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Đồng thời, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, Việt Nam hướng đến năm 2025 sẽ vào nhóm 4 Asean về môi trường kinh doanh, năm 2030 vào nhóm 3 về môi trường kinh doanh của Asean.
“Vậy thì về mặt quản trị doanh nghiệp, chúng ta cũng phải hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ vào nhóm 4 Asean về chỉ số quản trị tốt, năm 2030 vào nhóm 3 về chỉ số quản trị, thậm chí còn phải vượt lên nhưng chất lượng quản trị ở thời điểm hiện tại là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta hay nói đến thể chế, cải cách thể chế, cộng đồng doanh nghiệp hiến kế nhưng mà cộng đồng doanh nghiệp cũng nên nhìn lại chính mình và nâng cao năng lực của chính mình”, Chủ tịch VCCI nói.
Chủ tịch VCCI cho rằng, ở cấp độ vĩ mô, chất lượng thể chế sẽ quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, còn ở cấp độ vi mô như doanh nghiệp thì khả năng quản trị sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Điểm trung bình toàn bộ Asean về chỉ số quản trị doanh nghiệp là 71 điểm nhưng Việt Nam mới đạt 40 điểm, còn khoảng cách xa so với điểm trung bình về chỉ số quản trị doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn cả là khả năng quản trị giữa các doanh nghiệp còn cách nhau quá xa.
Quản trị sẽ là yếu tố sống còn với doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề như công nghệ, tài chính, nhân lực đều bắt nguồn từ vấn đề quản trị. Điều này đặt ra yêu cầu về nâng cấp doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, khu vực kinh tế tư nhân được coi là ngôi sao hi vọng của nền kinh tế, nhưng khu vực này chỉ đóng góp 10% là vào GDP, trong khi đó 30% GDP được đóng góp bởi các hộ kinh doanh.
“Nói về quản trị doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta không chỉ nói đến khả năng quản trị của doanh nghiệp mà còn nói đến khả năng quản trị của hộ kinh doanh nhưng khả năng quản trị của hộ kinh doanh còn yếu. Đây là vấn đề chúng ta phải quan tâm”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Chuyển đổi số là cơ hội cho chúng ta!
Cũng tại Lễ Công bố, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng chuyển đổi số là cơ hội cho doanh nghiệp.
“Cải cách thể chế có nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, chúng ta là nền kinh tế có độ mở cao nên việc tích hợp sẽ làm nâng cao hiệu quả của nền kinh tế”, Chủ tịch VCCI cho biết.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết lấy cảm hứng từ PCI, những năm qua VCCI phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số BCI - Chỉ số “sức khỏe” doanh nghiệp.
“Việc lựa chọn đối tượng để đánh giá trong bộ chỉ số BCI là doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là phù hợp. Đây chính là bộ phận ưu tú nhất của thị trường Việt Nam, là những doanh nghiệp vừa hiệu quả vừa minh bạch. Doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán chính là hàn thử biểu cho các doanh nghiệp Việt nói chung”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bộ chỉ BCI có tính khách quan, khoa học về khả năng quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính của các doanh nghiệp. Nếu ví Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI như hàn thử biểu đo chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam thì Chỉ số đánh giá năng lực quản trị doanh nghiệp phản ánh chân thực sức khỏe của doanh nghiệp. Mà nhờ đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm kiếm được những thông số để điều chỉnh chính sách ngày một tiệm cận hơn nữa với tốc độ phát triển như vũ bão của môi trường kinh doanh.
Chính vì thế, Chủ tịch VCCI cho biết sẽ định hướng và chỉ đạo các đơn vị tổ chức chương trình mở rộng và đa dạng hóa loại hình khảo sát đánh giá để có cái nhìn thực tế và sát thực hơn đối với năng lực doanh nghiệp với kỳ vọng mọi mặt “sức khỏe” của doanh nghiệp sẽ được phản chiếu qua bộ chỉ số BCI.