Chỉ thị mới về thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP: Thủ tướng “thúc đẩy” cải cách
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2018.
Sau gần 2 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết số 35 đã phát huy được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và đạt được kết quả tốt.
Môi trường đầu tư đã có những chuyển biến
Có thể bạn quan tâm |
Nói đến Nghị quyết 35 là nói tới sự tham gia triển khai của tất cả các Bộ, ngành, địa phương… tạo nên một sức mạnh tổng thể. Còn nhớ, cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết, tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp chuyển tới các cơ quan nhà nước để xử lý, giải quyết; định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, VCCI còn tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, không chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp…
Với những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành… các tổ chức quốc tế đều đánh giá tốt môi trường đầu tư của Việt Nam. WB đánh giá bảng xếp hạng của Việt Nam năm 2018 là ở vị trí thứ 68, cải thiện 14 bậc so với vị trí thứ 82 trong năm 2017.
Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng cho biết, có đến gần 67% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Con số cao hơn hẳn so với đánh giá mà giới kinh doanh Nhật Bản dành cho các nền kinh tế như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và kể cả Trung Quốc.
Vẫn còn những “khoảng trống”
Nhưng sau gần hai năm đi vào cuộc sống, cũng phải thẳng thắn rằng Nghị quyết đã bắt đầu bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong triển khai. Ngay cả các Bộ, ngành được cho là “đầu tầu” của các lĩnh vực cũng còn tình trạng “án binh” trong cải cách thủ tục.
Mới đây, tổ công tác của Thủ tướng có báo cáo gửi Thủ tướng đánh giá việc triển khai cắt giảm thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh tại 16 Bộ cho thấy vẫn còn tình trạng “án binh bất động”. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành nhưng chưa đề xuất cắt giảm gì.
Bộ GTVT cũng chưa đề xuất cắt giảm gì đối với hàng trăm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành do Bộ mình quản lý...
Với những tồn tại đó, Thủ tướng Chỉ thị Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, tháo gỡ ngay những vướng mắc cho doanh nghiệp về thuế; tiếp tục quản lý chặt chẽ, thu thuế đúng, đủ, cơ bản thực hiện hóa đơn điện tử trong năm 2018.... Công khai danh sách xếp hạng chi tiết 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam…
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa... Nghiên cứu, đề xuất chính sách đột phá trong việc tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, trong đó xem xét, giải quyết các vướng mắc trong việc thu hồi đất đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, sản xuất thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch... Bộ GTVT rà soát lại chi phí đầu tư các dự án BOT, chỉ đạo giám sát doanh thu thu phí thực tế của các dự án BOT…
UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập, công khai đường dây nóng. Các bộ, ngành, địa phương công khai kết quả theo dõi, giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với doanh nghiệp. VCCI đẩy mạnh phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và vận động các doanh nghiệp nói không với tiêu cực…
TS Huỳnh Thế Du – Chuyên gia kinh tế: Lựa chọn đúng đối tượng Việt Nam sẽ có bước chuyển tốt hơn Hàn Quốc những năm 1960. Đó là việc doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tạo ra giá trị xã hội lớn hơn cho cộng đồng. Vì vậy, “phải rất cẩn trọng nếu chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn”. Bởi lịch sử đã chứng minh vẫn có những nền kinh tế đi lên nhờ sức mạnh của các doanh nghiệp nhỏ. Nhà nước phải “giao cho người thổi sáo hay nhất cây sáo tốt nhất”, thay vì những ‘người thổi sáo hay” thì chưa được tạo điều kiện phù hợp còn những nơi “chậm tiến” thì lại được “bao cấp” trường kỳ. Ông Nguyễn Thu Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Vui: Tăng cường đối thoại chính sách Các cơ quan quản lý cần tổ chức đối thoại, phản biện nghiêm túc, tạo nên sự song hành giữa chính quyền với doanh nghiệp trong cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời, tổ chức các chương trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ. Để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thì trước nhất cần kiên quyết loại trừ những doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh kém hiệu quả. Nếu Chính phủ không quyết liệt, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục ôm mảng kinh doanh của họ, gây cản trở cho doanh nghiệp khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân khó có thể lớn mạnh. |