Vốn trái phiếu Chính phủ được điều chỉnh thế nào?
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và 2014 – 2016 tại 4 Bộ: Giao thông- Vận tải, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về việc kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương (bao gồm trái phiếu Chính phủ) sang năm 2018.
Quyết định nêu rõ: Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012 - 2015 và 2014 - 2016 với tổng số vốn điều chỉnh giảm là 3.776,869 tỷ đồng; trong đó, tổng số vốn điều chỉnh giảm tại 4 Bộ: Giao thông- Vận tải, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế là 2.161,887 tỷ đồng; tổng số vốn điều chỉnh giảm tại 61 địa phương là 1.614,981 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi vốn TPCP điều chỉnh giảm giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016; không cho giải ngân vốn TPCP kế hoạch hằng năm của mỗi dự án vượt tổng vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 sau khi điều chỉnh.
Bộ này cũng báo cáo tình hình thu hồi vốn TPCP điều chỉnh giảm giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 và tình hình giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (bao gồm TPCP) kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2018 theo định kỳ hằng tháng và hằng quý theo quy định.
Trước đó, trong bản báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày (tại phiên họp thứ 19 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV) đã cho thấy, trong thời gian qua vẫn tồn tại một số dự án chưa giao hết kế hoạch vốn nhưng không còn nhu cầu sử dụng; một số dự án đã được giao kế hoạch và quá thời hạn nhưng không giải ngân hết vì không còn nhu cầu sử dụng vốn…Bên cạnh đó, một số dự án chưa được bố trí đủ vốn, một số dự án ứng trước từ năm 2010 nhưng chưa bố trí được nguồn để hoàn ứng, một số công trình nợ đọng xây dựng cơ bản chưa bố trí nguồn vốn để thanh toán, nhiều địa phương không thực hiện đúng cam kết về bố trí vốn thuộc phần trách nhiệm của địa phương dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài… Đây là những tồn tại, thiếu sót kéo dài trong quản lý vốn đầu tư công thời gian qua.
Vì vậy Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ là nhằm giải quyết vấn đề quản lý vốn đầu tư công, từ đó bố trí sắp xếp chi hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính đối với nguồn vốn TPCP góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong Quyệt định trên cũng đề cập tới các dự án bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 và Dự án 991B của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giải ngân đến hết ngày 31/12/2018.