2018 tiếp tục cơ cấu lại toàn diện DNNN

Nguyễn Việt 16/03/2018 21:09

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp vừa ký Quyết định 112/QĐ-BĐMDN ban hành Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp năm 2018.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, năm 2018 Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước ngày 10/1/2019, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có báo cáo đánh giá, kiểm điểm xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu không hoàn thành kế hoạch được giao, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ, nếu quá trình tái cơ cấu DNNN được đẩy mạnh, hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn sẽ được đổ vào nền kinh tế, nó sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới, tốc độ tăng trưởng có thể vượt mục tiêu đề ra. Nếu không có sự quyết tâm trong tái cơ cấu DNNN thì đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-7% cũng là rất khó khăn.

“Cần thiết phải nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản hiện có của nhà nước; trong đó có doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Thêm 1 điểm % là có thể tăng thêm 3-4 tỷ USD; từ đó, đẩy tỷ lệ tăng tưởng lên từ 7-8% chứ không nên và cũng không cần đẩy tăng trưởng bằng cách khai thác thêm dầu thô, than đá, tăng xuất khẩu khoáng sản…”, ông Cung nói.

Tại Báo cáo nghiên cứu Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cho thấy, trên thực tế hoạt động tái cơ cấu DNNN đến nay vẫn chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu DNNN phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần tới vai trò của vốn đầu tư nhà nước và phù hợp với chức năng của DNNN trong nền kinh tế thị trường.

Vốn và tài sản nhà nước vẫn dàn trải ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; mức độ phát triển theo chiều sâu còn hạn chế. Bên cạnh đó, vốn thu về nhưng không được đầu tư và chuyển dịch sang các ngành nghề cần tới vai trò của DNNN.

Ngoài ra, thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém cũng chưa xác định trách nhiệm của ai. Bộ máy quản lý, cơ quan chủ quản kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau và đặc biệt có nhiều hình thức hỗ trợ để tránh phá sản DNNN. Cùng đó, công tác cổ phần hóa đang xuất hiện những “lỗ hổng” làm thất thoát một lượng lớn vốn Nhà nước.

Theo đó, nhiều DNNN bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp trái ngành, TS Nguyễn Đình Cung cho biết. Câu chuyện Hãng Phim truyện Việt Nam trở thành sở hữu của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy mới đây là một ví dụ bởi DNNN bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn xa lạ.

“Không ai biết dòng vốn nhà nước trong DNNN đang chảy như thế nào bởi không có con số chính xác. Đây là nhược điểm lớn nhất của quản trị, thiếu mô hình giám sát nên không cảnh báo được rủi ro, yếu kém. Và chỉ phát hiện ra khi hậu quả đã rồi”, ông Cung nói.

Nguyễn Việt