Quy hoạch đô thị và mở rộng thành phố Hà Nội

Cẩm Anh 13/04/2018 12:19

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Mô hình khu vực trọng tâm chính của đô thị vệ tinh Xuân Mai, một trong những khu đô thị hiện được quy hoạch phát triển trong tương lai gần

Mô hình khu vực trọng tâm chính của đô thị vệ tinh Xuân Mai, một trong những khu đô thị hiện được quy hoạch phát triển trong tương lai gần

Hiện nay, Hà Nội phải đối mặt với thách thức kép trong việc khẳng định bản thân trong khu vực như là một đô thị hiện đại, phát triển về mặt kinh tế, đồng thời quy hoạch cho sự phát triển của mình trong bối cảnh một tầng lớp trung lưu nở rộ cùng những kỳ vọng riêng.

Sự sáp nhập hành chính của Hà Nội với tỉnh Hà Tây năm 2008 đã tăng quy mô Hà Nội lên ba lần và tăng gấp đôi dân số lên 6,2 triệu người, biến Hà Nội trở thành một trong 30 thành phố lớn nhất thế giới. Ước tính đến năm 2030, dân số chính thức của Hà Nội sẽ vào khoảng 9 triệu người.

Sau khi sáp nhập, chính quyền Thủ đô đã tiến hành lập kế hoạch tầm nhìn cho thành phố - Quy hoạch tổng thể Hà Nội 2030 – 2050 - nhằm mục đích biến Hà Nội trở thành một trong những thành phố hấp dẫn, đáng sống và bền vững trên thế giới; đồng thời thu hút đầu tư - cả trong và ngoài nước - vào các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.

"Mỗi thành phố mới này có vai trò cụ thể về mặt kinh tế” - Danielle Labbé, một chuyên gia về phát triển đô thị Hà Nội, cho biết. "Ví dụ, về phía tây là Láng Hòa Lạc, một thành phố công nghệ cao với nhiều trường đại học. Những thành phố khác lại có định hướng văn hóa hoặc du lịch”.

Ai nắm quyền quyết định?

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù đã có một cuộc triển lãm công khai về quy hoạch tổng thể sau khi được thông qua, nhưng không có cuộc tham vấn nào trong quá trình chuẩn bị. Việc triển lãm chỉ là để cung cấp thông tin, không phải để tiếp nhận ý kiến.

Chuyên gia Danielle cũng đặt vấn đề, một vấn đề mà dường như không được tính đến là nước. Dòng chảy của nước trong tất cả các con sông, suối tự nhiên và đường nước ngầm sẽ đi đâu khi những vùng đất chưa được phát triển trước đây được xây dựng với bê tông và nhựa?

"Bạn chỉ cần nhìn vào sự phát triển của Phú Mỹ Hưng ở Thành phố Hồ Chí Minh để xem điều gì sẽ xảy ra khi vấn đề nước không được xem xét. Trung tâm thương mại Vivo được hoàn thành gần đây là một ví dụ. Khi trời mưa, đường cao tốc phía trước bị ngập 200 mét. Và việc thiếu hệ thống thoát nước hợp lý đã khiến nước mưa làm ngập phố và vỉa hè trong nhiều năm", bà Danielle nói.

Đầu tư nước ngoài cũng có vai trò trong quy hoạch đô thị và đô thị hóa ở Hà Nội, tuy nhiên vẫn còn ít dữ liệu về vai trò đó chính xác là gì.

"Rõ ràng, đầu tư nước ngoài đóng một vai trò lớn trong ngành công nghiệp. Một số khu công nghiệp lớn và thành công nhất trong khu vực Hà Nội đã được đầu tư nước ngoài", bà Danielle nhận định, Tuy nhiên, điều thành phố cần là cho đến đầu những năm 2010, các doanh nghiệp trong nước nên là các nhà đầu tư chính và dẫn đầu trong việc tái phát triển đất đai.

"Những doanh nghiệp này thực sự có tầm ảnh hưởng đến việc cái gì sẽ phát triển ở đâu. Họ là những người chơi chính trong đầu tư vào việc mở rộng thành phố, và với việc đầu tư tích cực và một số các dự án cơ sở hạ tầng của thành phố trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp tư nhân sẽ càng khẳng định vai trò lớn hơn bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào trong việc định hình quá trình phát triển đô thị ở Hà Nội”, bà Danielle nói.

Mô hình kiểu mẫu

Mặc dù Singapore và Seoul thường được ca ngợi như các mô hình để 'Hà Nội mới' dựa vào, sự chuyển đổi nói dễ hơn là làm. Singapore có luật cho phép chính phủ sở hữu bất kỳ mảnh đất nào mà chính phủ chọn, với mức bồi thường thích hợp. Ở Việt Nam, quá trình này đã gặp nhiều khó khăn trong quá khứ, và những vấn đề tương tự gần đây đã xuất hiện trong dự án Ecopark.

Theo chuyên gia Danielle, Singapore đã là mô hình kiểu mẫu cho các nhà quy hoạch Việt Nam từ lâu vì đây là một thành phố sạch sẽ và có trật tự. "Mong muốn về một sự phát triển đô thị có trật tự là một yếu tố quan trọng của quy hoạch đô thị ở Việt Nam, và điều này luôn thất bại trước tình trạng đô thị hóa không chính thức và tự phát”. - bà Danielle nói.

Sự trật tự của Seoul không phải là lý do duy nhất mà thành phố này được sử dụng như một mô hình cho các nhà quy hoạch Việt Nam. "Seoul đã là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc kể từ Chiến tranh thế giới II”, Danielle nói:

Chuyên gia quy hoạch đô thị Laurie Tallotte muốn Hà Nội mở rộng về phía bờ sông Hồng, tương tự như những gì đã xảy ra ở Bangkok và Phnom Penh. "Sông Hồng là một phần của di sản Hà Nội chưa được nâng cấp cho đến nay", bà nói. "Khu vực ven sông là những không gian đa chức năng, có thể hỗ trợ các hoạt động và cơ hội đa dạng cho giải trí, du lịch, phát triển kinh tế và tái tạo đô thị” - Chuyên gia Laurie Tallotte nói.

Cẩm Anh