Hạn chế việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016 - 2018.
Theo đó, thay vì tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước thì Quyết định 433/QĐ-TTg sửa đổi theo hướng: Hạn chế việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính rà soát danh mục dự án cấp bảo lãnh Chính phủ trong 6 tháng đầu năm 2018 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định của Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 4/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - ông Võ Hữu Hiển, bên cạnh các kết quả tích cực, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay cũng đang đặt ra một số vấn đề: Đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập...
Cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đối với khoản vay trong nước và nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu trong nước của doanh nghiệp; khoản phát hành trái phiếu trong nước của ngân hàng chính sách thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Theo dự thảo, hình thức văn bản bảo lãnh gồm: Bảo lãnh chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh (gọi chung là “Thư bảo lãnh”). Chính phủ chỉ cấp Thư bảo lãnh, không cấp Thư tái bảo lãnh.
Đối tượng được xem xét cấp bảo lãnh chính phủ phù hợp với quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công, đáp ứng các điều kiện cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 43 Luật Quản lý nợ công và được nêu cụ thể tại Nghị định này.
Dự thảo nêu rõ, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ được thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Quản lý nợ công.
Về mức bảo lãnh chính phủ, Dự thảo đề xuất: Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
Mức bảo lãnh chính phủ đối với khoản phát hành trái phiếu của ngân hàng chính sách là 100% hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu năm kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.