Đầu tư PPP: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%

Ngọc Hà 11/05/2018 11:00

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nghị định này được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng “tay không bắt giặc” trong lĩnh vực PPP.

Nghị định này quy định về lĩnh vực, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư.Trong đó, Nghị định quy định vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Điều chỉnh tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu

Một trong những điểm mới của Nghị định 63/2018/NĐ-CP ban hành thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP đó là điều chỉnh quy định về tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong dự án PPP. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 19/6/2018.

Theo đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.Trong đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau: Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư; đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.

Dự án Dầu Giây - Phan Thiết, một trong những dự án được triển khai đầu tư theo hình thức PPP.

Dự án Dầu Giây - Phan Thiết, một trong những dự án được triển khai đầu tư theo hình thức PPP. (nguồn: Internet).

Điểm lại thực tiễn triển khai các dự án BOT giai đoạn 2011 – 2015 có thể thấy, năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo là một trong những điểm yếu ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ dự án. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, vốn ngân hàng đổ vào các dự án BOT giai đoạn này chiếm 85% - 90% tổng vốn đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của ngân hàng. Nghĩa là nguồn vốn tự có của các nhà đầu tư BOT thực chất chỉ dừng ở mức khiêm tốn từ 10 – 11% tổng vốn đầu tư của dự án.

Trước đó, một số chuyên gia đã cho rằng, đa phần các dự án đều do nhà đầu tư tự lập đề xuất dự án, việc này có thể dẫn đến hiện tượng đội vốn và với mức vốn tự có của các nhà đầu tư BOT chỉ dừng ở mức 10 – 11% như vừa nếu thì nhà đầu tư BOT đã gần như có thể bù được phần vốn chủ sở hữu. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, nhà đầu tư BOT “cứ làm là có lãi”, “tay không bắt giặc”.

Chính vì vậy, quy định tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải góp vào dự án sẽ góp phần bảo đảm lựa chọn được những nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án, đồng thời góp phần ổn định hệ thống tín dụng trong nước khi hạn mức tín dụng đã tới hạn như thông tin của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP (vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công; vốn góp của Nhà nước được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công không áp dụng đối với dự án BT; vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công) không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Đối với hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT), nhà đầu tư phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện Dự án khác.

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Nghị định quy định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia (1). Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 300 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư của dự án; dự án nhóm A áp dụng loại hợp đồng BT (2).

 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc các trường hợp (1), (2) nêu trên của bộ, ngành mình.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án sau đây: Dự án nhóm A không thuộc trường hợp quy định tại (2) nêu trên; dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công; dự án nhóm B áp dụng loại hợp đồng BT (3).

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án không thuộc các trường hợp quy định tại (1), (2), (3) nêu trên của địa phương mình.

Ngọc Hà